TỪ VỤ ÁN "LẤY LẠI ĐẤT ĐÃ CHO CON - CHA BỊ KHỞI TỐ HÌNH SỰ" NGHĨ VỀ: TÌNH TRONG LUẬT PHÁP!

Dẫn nhập: "Năm 1997, ông Chiến cho vợ chồng con trai hơn 7.000 m2 đất nông nghiệp. Mấy năm sau, con ông mất, con dâu tiếp tục canh tác trên phần đất này. Năm 2010, ông Chiến chiếm lại khu đất nên con dâu khởi kiện. Tháng 4/2016, TAND tỉnh Hậu Giang xử phúc thẩm, tuyên ông Chiến phải giao trả đất cho con dâu nhưng ông không chấp hành bản án đã có hiệu lực này. Cơ quan thi hành án phải cưỡng chế; Tuy nhiên, ông Chiến không thực hiện, nhổ mốc cắm ranh, tiếp tục canh tác, dù chính quyền địa phương nhiều lần vận động, thuyết phục. Nên ông Chiến, 69 tuổi, đã bị Công an huyện Long Mỹ khởi tố, cho tại ngoại, về hành vi Không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật Hình sự" - Trích từ Báo điện tử Vnexpress.

Trong tâm thức của nhiều Bà con ta, vẫn luôn giữ một suy nghĩ sâu sắc là coi Con cái như một phần máu thịt tách rời từ Cha mẹ, yêu thương vô điều kiện - Cũng chính từ đó đã hình thành một quán niệm, những gì của Cha mẹ, cũng là của Con cái, những gì của Con cái, cũng là của Cha mẹ, mà không có một sự tách bạch nào cả. Trong khi dưới góc độ pháp lý, Con đã thành niên, có đủ năng lực hành vi dân sự, là một Chủ thể độc lập trong mọi quan hệ pháp luật. Chính sự khác nhau giữa nhận thức chủ quan và hiện thực khách quan là quy định của pháp luật, mới dẫn đến hệ quả đáng buồn như câu chuyện kể trên: Cha mẹ chỉ nghĩ đơn giản là trước đây cho, giờ không cho nữa thì lấy lại - Trong khi về phương diện pháp lý, nếu việc tặng cho đã hoàn thành, thì quyền sở hữu được chuyển giao, không thể tự ý lấy lại.

Mặc dầu vậy, khi đọc qua nội dung vụ việc nêu trên - Tác giả cho rằng, vấn đề pháp lý trong vụ việc, có lẽ không đơn giản như thế. Những thông tin nhỏ giọt trong Bài báo, không đủ để Chúng ta có thể kết luận tranh chấp dân sự đã được giải quyết đúng hay sai, ngoại trừ việc, vì Bản án đã có hiệu lực, Người phải thi hành án có điều kiện, nhưng không thi hành, nên bị Cơ quan điều tra khởi tố về hành vi không chấp hành án, là có cơ sở, bởi trong quan hệ pháp luật hình sự này, Cơ quan điều tra không có trách nhiệm xem xét tranh chấp dân sự đã được giải quyết như thế nào, mà chỉ xem xét khía cạnh Bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật hay chưa, Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án hay không mà thôi.

Quay lại vấn đề dân sự trong vụ tranh chấp trên - Chúng ta thấy rằng, có 2 quan hệ pháp luật đan xen vào nhau, nối tiếp nhau, có mối quan hệ qua lại với nhau, đó là: Giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất; Và giao dịch thừa kế quyền sử dụng đất. Cả giao dịch này cần phải được xem xét đầy đủ, toàn diện, tổng thể trong vụ án, thì mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc, cũng như bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các Bên liên quan. Trên cơ sở đó, có 2 câu hỏi lớn liên quan đến vụ án này, đó là: (i) Việc tặng cho quyền sử dụng đất đã hoàn thành hay chưa? Và (ii) Vấn đề thừa kế đã được giải quyết như thế nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu lần lượt từng vấn đề ngay sau đây.

1. Việc tặng cho quyền sử dụng đất đã hoàn thành hay chưa?!

Theo thông tin từ Bài báo thì "Năm 1997, ông Chiến cho vợ chồng con trai hơn 7.000 mét vuông đất nông nghiệp", nhưng Chúng ta không biết từ "cho" đang được dùng ở đây, thể hiện là ông Chiến đã tặng cho, hay chỉ là cho mượn, vì đây là hai giao dịch khác xa nhau. Nếu tặng cho thì coi như mất, còn chỉ là cho mượn thì đương nhiên được quyền lấy lại. Điều này, tương đối dễ hiểu!

Vấn đề còn lại là chứng cứ, nếu cho rằng ông Chiến đã cho tặng quyền sử dụng đất này, thì cần phải có Văn bản tặng cho hoặc/và Con trai ông Chiến đã thực hiện thủ tục đăng ký đất đai tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn nếu không có bất kỳ chứng cứ nào, trong tất cả các chứng cứ vừa nếu, mọi việc chỉ là nói miệng, thì xem như không hề có việc tặng cho.

Hay nói cách khác, cũng giống như việc chuyển nhượng (mua bán) quyền sử dụng đất, việc tặng cho phải có chứng cứ giao dịch, phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, thì giao dịch mới hoàn thành, và quyền sử dụng đất mới được chuyển giao - Bằng không, khi giao dịch chưa hoàn thành, thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc ông Chiến. Ở đây, không thể dựa vào chi tiết Con trai ông Chiến đã từng canh tác, để nói rằng đã được tặng cho, vì cho mượn, cũng được canh tác vậy. Vì không có hồ sơ vụ án, nên phần này Tác giả chỉ phân tích về mặt lý thuyết pháp lý, nhằm giúp Bà con được gợi mở thêm góc nhìn pháp lý, phần quan trọng nhất, sẽ ở tiếp sau đây.

2. Vấn đề thừa kế đã được giải quyết như thế nào?

Chúng ta giả định rằng, việc ông Chiến cho Con trai 7.000 mét vuông đất là giao dịch đã hoàn thành, nhấn mạnh giả thiết là đã hoàn thành. Lúc này, khi Con trai ông Chiến mất, thì toàn bộ 7.000 mét vuông đất đó sẽ trở thành di sản thừa kế mà Con trai ông Chiến để lại (Nếu trước đây ông Chiến chỉ tặng cho Con trai mà không cho Con dâu) hoặc 3.500 mét vuông trong tổng số 7.000 mét vuông đất sẽ trở thành di sản thừa kế mà Con trai ông Chiến để lại (Nếu trước đây ông Chiến tặng cho cả Con trai và Con dâu, tức mỗi Người một nửa).

Cần lưu ý rằng, ông Chiến là Người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của Con trai ông, và ông Chiến là Chủ thể được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, cho nên ngay cả trước khi chết Con trai ông Chiến có lập di chúc để lại hết tài sản cho Vợ con, thì ông Chiến vẫn được thừa kế một phần di sản (Những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc gồm: Cha mẹ đẻ, Vợ/chồng, con chưa đủ 18 tuổi, con trên 18 tuổi mà bị khuyết tật, bệnh không có khả năng lao động.... Những vấn đề này đã được Tác giả trình bày trong Bài viết về thừa kế, nên không nhắc lại ở đây).

Như vậy, trong mọi khả năng xẩy ra, kể cả tình huống xấu nhất, thì ông Chiến cũng chắc chắn phải được chia một phần thừa kế là quyền sử dụng đất trong số 7.000 mét vuông đất nêu trên, mà không thể mất trắng. Nếu Mẹ đẻ của Con trai ông Chiến (Tức vợ ông Chiến) còn sống, thì phần được hưởng lại càng nhiều. Ví dụ: Nếu Con trai ông Chiến không có con, trước đây ông Chiến cho cả Con trai và dâu 7.000 mét vuông, con trai ông Chiến chết không để lại di chúc, thì: Di sản thừa kế là 3.500 mét vuông đất, 3 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là Cha mẹ và Vợ, 3.500 mét vuông chia ba, thì Vợ chồng ông Chiến cũng được gần 2.400 mét vuông đất, đó là một con số không nhỏ. Còn nếu trước khi chết, Con trai ông Chiến lập di chúc để lại hết cho Vợ, thì do Vợ chồng ông Chiến là Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, nên vẫn sẽ được hưởng bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, nghĩa rằng Vợ chồng ông Chiến cũng phải được hơn 1.500 mét vuông đất.

Tóm lại hiểu nôm na, cho dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, tình huống xấu nhất ập đến, ông Chiến cũng vẫn phải được chia một phần đất nêu trên, mà không thể bị mất trắng, đó là điều chắc chắn - Và đó là tất cả những vấn đề pháp lý, mà Bà con Chúng ta có thể chốt lại được. Tuy nhiên, đây là một vụ án thuộc về "Tình trong Luật pháp" - Tức là không thể, không chỉ cứ dựa trên mỗi luật pháp một cách khô khan, sòng phẳng như việc giải quyết các tranh chấp về kinh doanh thương mại giữa các công ty. Bởi hệ lụy của những tranh chấp này, không chỉ là vấn đề tài sản, mà còn là tình thân của cả một Gia đình. Do đó, những Người giải quyết vụ việc, ngoài vấn đề phải giỏi về chuyên môn, thì cần phải có một nhân cách thánh thiện, có phật tâm, mong muốn hàn gắn những đổ vỡ, hay ít ra không tạo thêm những hố sâu ngăn cách - Thì công lý, mới hoàn thành sứ mệnh của nó.....

Viết tại Sài Gòn, ngày 27/05/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan