"CÂU CHUYỆN RÚT ỐNG THỞ" VÀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CÓ LIÊN QUAN!

Dẫn nhập: Tối 7.8, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Người này đã quyết định “nhường chiếc máy thở” của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần. Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này". Kèm với nội dung còn có hình ảnh 2 bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật. Tuy nhiên - Trưa 8.8, Trung tâm Báo chí TP.HCM phát đi thông báo, theo đó Theo Trung tâm Báo chí TP.HCM, sau khi kiểm tra, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu. Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật. - Trích từ báo Thanh Niên.

Như vậy, theo thông tin từ báo chí thì câu chuyện rút ống thở đang được nói đến là thông tin giả mạo, có tính chất xuyên tạc, bịa đặt. Cho nên Người sáng tác ra câu chuyện đó, cùng các "Đồng phạm" nếu có, sẽ đối diện với một án phạt vi phạm hành chính bởi hành vi thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, với mức phạt khoảng 7,5 triệu đồng hoặc hơn một chút cho mỗi người có hành vi vi phạm - Với điều kiện là việc sáng tác ra câu chuyện này không có một động cơ nào khác về tiền bạc hoặc chính trị, còn nếu có, thì nó sẽ chếch đi theo một hướng rẽ khác, và có thể có dấu hiệu của tội phạm hình sự liên quan, nếu như thỏa mãn thêm các yếu tố khác của cấu thành tội phạm. Theo đó, "Câu chuyện rút ống thở" - Với bản chất là một thông tin giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật (Nếu không có thêm tình tiết nào mới), thì chỉ có chừng đó vấn đề pháp lý, và dừng lại ở đây!

Tuy nhiên, có một số Bạn độc giả nêu thắc mắc rằng: "Nếu giả định câu chuyện trên là có thật, thì việc rút ống thở như vậy có vi phạm pháp luật không"?! Và đây chính là trọng tâm của Bài viết này, Chúng ta sẽ giả định câu chuyện nêu trên, nếu là có thật, thì sẽ xuất hiện những vấn đề pháp lý gì, Tác giả sẽ phân tích để Bà con tham khảo.

I. TÌM VỀ QUÁ KHỨ - ĐÃ TỪNG CÓ MỘT "CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ"

Hiện tại, Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và đang có hiệu lực thi hành - Đây được coi là Bộ luật gốc, luật chung, luật mẹ quy định đầy đủ về quyền nhân thân của mỗi Con Người như: Quyền được sống, quyền được khai sinh, quyền được giữ bí mật đời tư, quyền được chuyển đổi giới tính.............

Trước khi Bộ luật dân sự năm 2015 được trình Quốc hội nhấn nút thông qua, tức là đang trong giai đoạn dự thảo, góp ý - Đã xảy ra một "Cuộc chiến pháp lý" rất kịch liệt, khi Vụ pháp chế - Bộ y tế đề xuất bổ sung quyền được chết vào trong Bộ luật dân sự: "Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế nêu lên thực tế, trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản. Với những trường hợp như vậy thì nên cho họ có quyền được chết" - Trích từ báo VOV.

Đề xuất trên đã diễn ra một cuộc tranh cãi pháp lý gay gắt, từ ngay chính những người đang làm Bác sỹ, tiếp theo đó là các Chuyên gia luật học, rồi đến các Nhà khoa học khác, tựu chung lại có hai luồng quan điểm: Đồng ý và không đồng ý cho phép "Chết nhân đạo"! Sau một hồi tranh cãi, cuối cùng chốt lại là không đồng ý bổ sung quyền được chết vào trong Bộ luật dân sự.

Như vậy theo quy định của Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành thì không công nhận và không thừa nhận quyền được chết như là một quyền nhân thân. Hệ thống pháp luật của các nước khác trên thế giới cũng quy định khác nhau về vấn đề này, có Quốc gia cho phép, Quốc gia khác thì không.

II. THỰC TIỄN ÁP DỤNG

Như trên đã nêu: Theo quy định của Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành thì không công nhận và không thừa nhận quyền được chết như là một quyền nhân thân. Chính vì vậy Bác sỹ, Nhân viên y tế không được quyền rút ống thở theo yêu cầu của Bệnh nhân, cũng như Người nhà bệnh nhân - Bác sỹ chỉ được rút ống thở vào thời điểm sớm nhất là khi tim của bệnh nhân đã ngưng đập hẳn (Xem như là đã tử vong) thì mới có quyền và được phép rút ống thở.

Trong thực tế, khi bệnh nhân được tiên liệu không thể quả khỏi, thân nhân có nguyện vọng để bệnh nhân được "Ra đi" tại nhà (Vấn đề tập quán, tâm linh)..... Cho nên đề nghị Bác sỹ được tháo ống thở, rút hết các hỗ trợ khoa học khác, để sớm được đưa về nhà - Trong trường hợp này, Bệnh viện phải căn cứ vào tình hình thực tế, nếu đúng là vô phương cứu chữa và gần tử vong, thì Bác sỹ sẽ yêu cầu Người nhà viết cam kết, sau đó sẽ "Lơ" đi, để Người nhà bệnh nhân tự rút ống thở - Chứ Bác sỹ không bao giờ được tự rút ống thở trong trường hợp này, dù cho Người nhà có yêu cầu. Vì như vậy là vi phạm pháp luật, có thể đối diện rủi ro pháp lý được phân tích ở phần tiếp sau đây.

III. VỀ VỤ VIỆC RÚT ỐNG THỞ CỦA "BÁC SỸ KHOA" - NẾU CÓ

Pháp luật không công nhận quyền được chết và Bác sỹ chỉ được rút ống thở vào thời điểm sớm nhất là khi tim của bệnh nhân đã ngưng đập hẳn. Chính vì vậy: Nếu Bác sỹ rút ống thở của bệnh nhân sai thời điểm và quy trình, đó là hành vi vi phạm pháp luật, có chỉ dấu Tội phạm hình sự, của một trong các loại tội sau - Tùy từng trường hợp cụ thể, gồm có:

1. Tội giúp Người khác tự sát: Nếu bệnh nhân mong muốn được chết, nên Bác sỹ đồng ý hỗ trợ bằng cách rút ống thở, thì đó là dấu hiệu hành vi khách quan của Tội danh "Giúp người khác tự sát" quy định tại Điều 131 Bộ luật hình sự 2015 (Sửa đổi 2017) - Thậm chí, có nhiều Nhà nghiên cứu theo trường phái nghiêm khắc hơn, thì cho đây là dấu hiệu của hành vi giết Người.

2. Tội vô ý làm chết Người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp: Trường hợp này chủ yếu là do lỗi chủ quan, yếu kém và nhận thức sai lầm về chuyên môn của Bác sỹ, đó là Bác sỹ nghĩ rằng bệnh nhân đã tử vong, nên quyết định rút ống thở, dẫn đến nạn nhân tử vong thật, mặc dù trước khi rút ống thở thì nạn nhân vẫn còn sống, đây là dấu hiệu hành vi khách quan của Tội danh "Vô ý làm chết Người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp" quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự.

3. Tội giết Người - Đây chính là Tội danh sẽ áp dụng cho "Bác sỹ Khoa" nếu câu chuyện có thật: Bệnh nhân đang sống sờ sờ ra đấy, Họ không yêu cầu giúp họ được chết nên không thể là Tội giúp người khác tự sát như ở trên, cũng không phải là Tôi vô ý làm chết Người như vừa nêu, vì ở đây "Bác sỹ Khoa" biết là "Mẹ mình" vẫn còn sống, khác với việc do yếu kém chuyên môn nên tưởng là đã chết. Cho nên hành vi của "Bác sỹ Khoa" trong trường hợp này là hành vi khách quan của Tội danh "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự. Lưu ý Bà con, Tội danh "Giết người" luôn được coi là hành vi cố ý, nên không cần nói Cố ý giết người, cũng mặc nhiên hiểu là cố ý.

Cần nhận thức rằng, trong trường hợp của "Bác sỹ Khoa", không được viện lý do là vì "Bác sỹ Khoa" là con đẻ của bệnh nhân, biết "Mẹ mình" không qua khỏi, nên có thể rút ống thở như trường hợp được nhắc ở phần trên (Được cho về sớm, để chết ở nhà) - Khác nhau ở chổ: 1. Ngay kể cả là trường hợp Người nhà muốn được cho về sớm, thì ở trên cũng đã nói rõ là phải xin phép Bệnh viện, viết giấy cam kết, rồi sau đó Bác sỹ có thể "Lơ đi" cho tự rút như đã nói, chứ không ai được tự tiện làm "phát một" đầy quyết đoán kiểu cái rụp như "Bác sỹ Khoa" trong câu chuyện; 2. Muốn được xin cho về sớm, thì phải có đại diện gia đình, ở đây "Bố Khoa" đang sống, nên là đại diện của "Mẹ khoa", vậy phải hỏi ý kiến "Bố khoa" trước, nếu "Bố Khoa" vì bệnh, hôn mê, không tỉnh táo, thì phải có những đại diện thêm khác (Anh chị em ruột....), nói tóm lại một mình "Bác sỹ Khoa" không đủ thẩm quyền và tư cách để có thể tự quyết trong trường hợp này, nên không thể nói giống như trường hợp nào kể trên.

------

Qua những gì Tác giả phân tích và luận giải, hi vọng Bà con sẽ hiểu thêm một số khía cạnh pháp lý liên quan đến quyền được chết, cũng như thời điểm, nguyên tắc rút ống thở của Bệnh nhân. Lưu ý và nhấn mạnh rằng: Tác giả chỉ dẫn chiếu luật và phân tích rõ cho Bà con hiểu quy định pháp luật hiện hành. Tác giả xin phép không đánh giá, không đưa ra quan điểm của mình về việc ủng hộ hay phản đối về quyền được chết, về cái chết nhân đạo. Vì đây là quan điểm của mỗi người xuất phát từ tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, nhận thức cá nhân và nhiều yếu tố khác. Việt Nam hay Thế giới, đứng trước vấn đề này, cũng đều có những quan điểm khác nhau...... Tuy nhiên, riêng đối với câu chuyện của "Bác sỹ Khoa", nếu đây chỉ là câu chuyện bịa, thì những tình tiết bịa này rất ác ý, dù được phủ bóng bằng một hành động nghe có vẻ văn chương, bởi chi tiết nhường máy thở, chẳng khác nào muốn truyền đạt rằng máy thở đang hiếm nghiêm trọng, buộc phải hi sinh cả tính mạng mẹ mình để nhường cho người khác. Đó là gì, nếu không phải là dã tâm gây hoang mang, lo lắng trong Nhân dân, nhất là gây nỗi bất an trầm trọng cho Gia đình có bệnh nhân đang điều trị. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm khắc hành vi này, hơn những hành vi bịa đặt thông thường khác: 7,5 triệu là quá nhẹ, cần phải kịch khung là 10 triệu sẽ hợp lý hơn trong trường hợp này!

Viết tại Sài Gòn, ngày 08/08/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan