ĐÒI LẠI TIỀN CHÊNH LỆCH TRONG VỤ “CHUYẾN BAY GIẢI CỨU”: ĐƯỜNG XA VẠN DẶM!

Truyền thông/Báo chí/Dư luận đã đặt vấn đề liên quan đến Vụ án “Chuyến bay giải cứu”: Đó là – Liệu những Hành khách đã phải chi một số tiền lớn, để được “giải cứu” có đòi được lại khoản tiền chênh lệch giữa số tiền mà họ đã thực tế bỏ ra trừ đi số tiền “đúng giá” Họ cần phải trả?! Nhiều Chuyên gia pháp lý đã công khai trả lời vấn đề này, theo những quan điểm và chiều hướng khác nhau, nhưng tựu chung lại, câu trả lời của Họ chỉ mới dừng lại ở việc nhận định là có hay không, nên hay không – Mà không hoặc chưa nêu ra được cơ sở luận chứng, cũng như căn cứ pháp lý cho nhận định đó – Trong khi đây là yếu tố then chốt, có vai trò quyết định.

Có thể nói rằng Vụ án “Chuyến bay giải cứu” để lại một “Vùng trời bao la” về học thuật cho những Người nghiên cứu pháp luật – Nó phá vỡ đi suy nghĩ truyền thống tồn tại lâu dài về cái gọi là “Mỗi Người theo một mảng pháp lý cụ thể”. Một Vụ án với nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau, có mối quan hệ dây chuyền với nhau – Đã đẩy những Người luôn nhận chỉ là “Chuyên gia trong lĩnh vực dân sự”, “Chuyên gia trong lĩnh vực thương mại”, “Chuyên gia trog lĩnh vực hành chính”, “Chuyên gia trong lĩnh vực hình sự”… Rơi vào thế kẹt – Bởi nó đòi hỏi phải là một “Bách hóa tổng hợp” để giải quyết được “Ma trận” quan hệ pháp luật này.

Trong “Vụ án chuyến bay giải cứu”, cho đến giờ phút này – Tòa án đang xét xử các Bị cáo về nhiều tội danh, trong đó có tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, các tội danh Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khách thể bị xâm phạm là trật tự quản lý đúng đắn của nhà nước – Tức khách thể bị xâm phạm không phải là quyền sở hữu của Công dân; Còn tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Đang được xét xử), có khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu của Công dân, nhưng Người bị lừa đảo trong trường hợp này là Chủ các doanh nghiệp (Bị lừa đưa tiền cho Người không có khả năng chạy án, để mong được chạy án). Do đó, tài sản của Công dân là khoản tiền chênh lệc đã bỏ ra – Không phải là khách thể bị xâm phạm trong vụ án, do đó không có căn cứ pháp luật để được trả lại tiền ngay trong vụ án này. Đó là điều chắc chắn!

Những Người dân đã bỏ tiền ra để được “giải cứu” thông qua việc xác lập hợp đồng dân sự với Doanh nghiệp. Vào thời điểm Các bên xác lập hợp đồng, thì giao dịch này không bị khống chế về mức trần giá cả như các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá khác do Nhà nước kiểm soát như xăng, điện. Nên giả định rằng, nếu không xảy ra Vụ án hình sự nêu trên, thì giao dịch dân sự mà các bên đã xác lập và thực hiện hoàn thành, coi như xong. Tuy nhiên, vụ án hình sự xảy ra, với những khoản tiền chung chi, với những lời khai của các Bị cáo – Hoàn toàn có căn cứ để khẳng định rằng: Đã có việc đẩy giá vé lên cao một cách bất thường, nhằm để Doanh nghiệp có những khoản tiền chung chi. Hay nói cách khác, là các Bị cáo đã có hành vi biến tài sản hợp pháp của Người dân trở thành “Công cụ phương tiện phạm tội” trọng Vụ án hình sự đang xét xử nêu trên. Hiểu na ná như: A trộm xe của B, sau đó dùng xe này đi cướp giật tài sản của C, thì A phạm cùng lúc hai tội trộm cắp và cướp giật tài sản, riêng chiếc xe là công cụ phương tiện phạm tội, nhưng vì là xe của B, B là bị hại trọng vụ án trộm cắp, nên phải trả lại xe cho B (Giả dụ lúc đầu xe là của A thì xe này sẽ bị tịch thu).

Dựa trên lý luận chung đó – Trong Vụ việc “Chuyến bay giải cứu”, để những Hành khách đã mua vé giá cao bất thường được nhận lại tiền chênh lệch, tất nhiên là sau khi đã phải xác định giá vé hợp lý vào thời điểm hoàn cảnh dịch bệnh đó, rồi mới biết được khoản tiền bị chệnh lệc cụ thể là bao nhiêu, để mà hoàn trả. Thì chỉ có thể, áp dụng một trong hai cách:

1. Khởi tố, điều tra thêm một Vụ án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, mà trong đó Bị hại chính là những Hành khách đã sử dụng dịch vụ: Để áp dụng được phương án này, phải có căn cứ để chứng minh các Bị cáo đã đưa ra những thông tin gian dối, như kê khống các dịch vụ không có, hoặc nâng khống giá lên nhằm dụ dỗ Khách hàng rằng giá vé đó là hợp lý (Hành vi khách quan của tội danh lừa đảo) hoặc có căn cứ để chứng minh các Bị cáo đã có hành vi đe dọa, uy hiếp về tinh thần, khiến cho Khách hàng cảm thấy sợ hãi, hoang mang mà miễn cưỡng chấp nhận mua giá vé cao (Hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản). Lưu ý là ở đây chúng ta mới xác định phương hướng, còn để vận dụng được, thì phải dựa trên các chứng cứ để chứng minh. Và khi những Hành khách được xác định là Bị hại, và khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu tài sản, thì việc trả lại tiền chênh lệch là điều hiển nhiên.

2. Khởi kiện vụ án dân sự, đề nghị Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu do trái đạo đức xã hội và bị cưỡng ép, đe dọa. Việc chứng minh giao dịch vô hiệu do trái đạo đức xã hội trong trường hợp này, có lẽ không hề khó trong tình huống này, với câu nói cửa miệng bình dân “Ăn trên xương máu đồng bào trong dịch bệnh”, và chỉ cần nhiêu đó cũng đủ căn cứ pháp lý tuyên hợp đồng vô hiệu, còn việc chứng minh có hành vi cưỡng ép, đe dọa chỉ tăng thêm phần “sinh động” mà thôi. Khi Hợp đồng bị vô hiệu, hai bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, tất nhiên Khách hàng vẫn phải trả khoản tiền tương ứng với phần dịch vụ đã sử dụng. Tức sẽ chỉ được nhận lại phần tiền chênh lệch, chứ không phải nhận lại toàn bộ tiền.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, ngay cả khi áp dụng được một trong những phương án trên, thì việc thực tế có nhận lại được tiền hay không là một vấn đề bỏ ngỏ - Vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng thi hành án của các Bị cáo, tức liệu còn tiền để hoàn trả hay không. Vì về nguyên tắc, những khoản tiền các Bị cáo đã nộp lại trong Vụ án đang xét xử, là công cụ phương tiện phạm tội trong vụ án này, sẽ bị tịch thu, sung vào ngân sách, mà không có chuyện dùng để hoàn lại trong một Vụ án khác. Bởi tiền là vật cùng loại, không phải vật đặc định như ví dụ về chiếc xe nêu trên (Có số khung, số máy, biển kiểm soát, giấy đăng ký riêng), để khẳng định đó có phải là tiền mà các Bị hại trong vụ án khác đã bị chiếm đoạt hay không – Dù có niềm tin nội tâm “Rằng tiền này là tiền đó”! Tất nhiên về mặt chính sách, chủ trương, Nhà nước có thể xem xét, cân nhắc về việc điều này – Tức không dựa trên quan điểm pháp luật, mà chỉ tính đến sự nhân văn.

Viết tại Sài Gòn, ngày 18/07/2023 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan