VỀ VỤ KIỆN ĐÒI NỢ NÀNG HẬU: NGƯỜI TỰ NHẬN LÀ CHỦ NỢ THỰC SỰ CẦN PHẢI XÁC ĐỊNH ĐÚNG TƯ CÁCH TỐ TỤNG CỦA MÌNH!
Dẫn nhập: Để cho Bạn đọc tiện theo dõi, dựa trên nội dung khởi kiện của Người khởi kiện (Xuất phát điểm của một Vụ án dân sự), có thể được xác định tóm lược, đại ý như sau: Bà A/Người khởi kiện tự khai nhận rằng, Bà A có cho Bà B vay số tiền 1,5 tỷ đồng, và đã chuyển giao tiền cho Bà B. Nhưng vì nhiều lý do, Bà A không đứng tên với tư cách là Bên cho vay, mà chỉ đứng tên với tư cách là Người làm chứng. Còn Bà B đã nhờ Ông C đứng tên trên Văn bản với tư cách là Người cho vay giùm mình. Cô B thừa nhận có ký tên vào Văn bản nhưng không thừa nhận đã nhận tiền. Còn Ông C thừa nhận có ký tên vào Văn bản như vừa nêu giúp Bà A, nhưng Ông C không giao tiền, và việc có giao tiền giữa Bà A và Bà B hay không, thì Ông cũng không biết. Sau đó, Bà A đã kiện Bà B để đòi nợ, nhưng lại kiện với tư cách là Người đại diện của Ông C (Bà con lưu ý chi quan trọng tiết này). Kết quả phiên Tòa sơ thẩm, là Bà A đã không được chấp nhận yêu cầu khởi kiện, đặc biệt Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Tòa đình chỉ vụ án, với lý do Bà A không có tư cách khởi kiện, vì chưa được Ông C ủy quyền hay chuyển giao quyền đời nợ. (Hết dẫn nhập)!
Có thể nói rằng, trên đây chỉ là một vụ kiện tụng đời nợ “đơn thuần”, là một tranh chấp phổ biến, nhưng lại ẩn chứa trong đó một Bài học pháp lý về tố tụng “siêu hấp dẫn”, mà nếu không suy xét cẩn trọng, thấu đáo, để xác định đúng tư cách tố tụng của mình, thì Người khởi kiện sẽ rơi vào tình huống “tự thua”! Trước nhiều lý do - Tác giả đã rất đắn đo khi viết Bài này và nghiêng về việc không viết, nhưng rồi cuối cùng vẫn không cưỡng lại được mong muốn/suy nghĩ cần để cho những Bạn đọc chân thành của Trang, nhất là các Bạn trẻ đang theo ngành luật, được tiếp cận với đỉnh cao của học thuật – Nên quyết định phá lệ một lần.
Lưu ý và nhận mạnh rằng: Trong Bài viết này, Chúng ta tạm chưa đưa ra kết luận về việc có hay không có việc giao tiền thực tế giữa Các Bên – Mà trọng tâm, là phân tích về khía cạnh tố tụng, để cho thấy ngay từ đầu, Người khởi kiện đã có sai lầm như thế nào, dẫn đến việc “tự thua” ra sao. Thông qua đó để Bà con ta rút ra tầm quan trọng việc vận dụng pháp luật tố tụng trong một vụ tranh chấp là quan trọng như thế nào - Bởi lúc còn trên giảng đường, đôi khi Chúng ta đã bị lầm tưởng rằng, luật nội dung mới hấp dẫn nhất, là quyết định thành bại/sống còn trong một vụ án!
1. Trong vụ án trên, Chúng ta thấy rằng, Bà A đã khởi kiện chỉ một mình Bà B nhằm đòi nợ, nhưng lại khởi kiện dựa trên tư cách là Người đại diện của Ông C, trong khi Ông C chưa ủy quyền hay chuyển giao quyền đòi nợ cho Bà A – Đó là sai lầm đầu tiên về mặt tố tụng. Chính sai lầm này đã dẫn đến ý kiến của Vị đại diện Viện kiểm sát là cần đình chỉ vụ án.
2. Ngay cả khi Ông C có chuyển giao quyền đòi nợ hay ủy quyền đòi nợ cho Bà A, thì việc Bà A khởi kiện đòi nợ với tư cách là Người đại diện của Ông C, vẫn là một sai lầm về mặt tố tụng lẫn nội dung. Bởi nó sẽ mâu thuẫn với lời trình bày của cả Bà A lẫn Ông C, rằng Ông C chỉ là Người đứng tên giùm.
3. Có lẽ xuất phát điểm, Bà A cũng giống như rất nhiều Bà con ta, đều suy nghĩ đơn giản rằng, do Ông C là Người đã đứng tên trên văn bản, là chứng cứ để đòi nợ, nên cứ theo kịch bản mà diễn tiếp cho tròn vai là Ông C đã đứng tên, thì Ông C có quyền đòi, do đó Bà A đòi, thì phải đòi với tư cách của Ông C. Cũng chính suy nghĩ này, mà trước đây tại Cơ quan Công an, Bà A đã từng khai rằng, Bà đã đưa tiền cho Ông C, để Ông C đưa cho Bà B, khai như vậy để gọi là phù hợp. Nhưng việc cố diễn tròn vai của Bà A đã gặp phải sai lầm, khi Ông C không thừa nhận có việc nhận tiền từ bà. Vậy là bà A trở thành Người khai man, lại tiếp tục “tự thua”.
4. Nói cách khác, ngay từ đầu, Bà A đã không xác định đúng nội dung, bản chất vụ việc của chính Bà A, khiến Bà mắc sai lầm trong việc xác định tư cách tố tụng của mình, tiếp nối đó là những sai lầm liên quan đến việc đưa ra những lời khai mâu thuẫn nhằm cho phù hợp với Văn bản vay tiền, để cuối cùng Bà tự làm khó mình, khiến cho những luận điểm của Bà tự thân nó phản ánh không đúng sự thật khách quan.
5. Trong vụ án này, chúng ta thấy: (i) Bà A nói rằng Bà mới là Người cho vay tiền, còn Ông C chỉ là Người đứng tên giùm trên văn bản; (ii) Bà B cũng thừa nhận rằng Bà có ký tên lên văn băn vay tiền của Ông C, nhưng Bà B chỉ giao dịch nhằm vay tiền của Bà A, tuy nhiên cuối cùng Bà B không hề nhận tiền của ai; (iii) Ông C thừa nhận chuyện đứng tên giùm, tức Ông C cũng khẳng định Ông không cho Bà B vay tiền. Từ những chi tiết vừa nêu – HOÀN TOÀN CÓ CƠ SỞ ĐỂ KHẲNG ĐỊNH MỘT CÁCH CHẮC CHẮN RẰNG: Trong vụ việc này đã cùng lúc tồn tại ít nhất 2 giao dịch:
- Một là: Giao dịch vay tiền giữa Bà A và Bà B (Lưu ý là tồn tại giao dịch, chứ không phải tồn tại chứng cứ giao nhận tiền, ví dụ Các Bên ký hợp đồng mua bán nhà, nhưng sau đó không giao nhà, thì hợp đồng là chứng cứ khẳng định tồn tại giao dịch, chứ không phải là chứng cứ đã giao nhận nhà: Tác giả đã từng có Bài viết phân biệt giữa sự tồn tại giao dịch và việc thực hiện nghĩa vụ giao dịch, Bà con có thể tìm đọc lại trên Trang).
- Hai là: Giao dịch vay tiền giữa Bà B và Ông C. Tuy nhiên, giao dịch giữa Bà B và Ông C là giao dịch giả tạo. Bởi tất cả lời khai của A – B – C đều thống nhất ở việc C và B chỉ ký văn bản, nhưng không giao tiền, lời khai của A – C thể hiện A nhờ C đứng tên giùm. Giao dịch vay tiền giữa Bà B và Ông C được xác lập giả tạo, nhằm che giấu giao dịch vay tiền thật giữa Bà A và Bà B. Theo quy định của luật dân sự, thì giao dịch giả tạo bị vô hiệu, nhưng KHÔNG đương nhiên làm giao dịch bị che giấu vô hiệu.
6. Từ những phân tích trên, đáng ra trong Vụ án này, Bà A cần phải kiện với tư cách của chính mình, mà không phải là đại diện của Ông C như Bà đã từng làm. Bà phải kiện cùng lúc cả Bà B và Ông C, để yêu cầu Tòa án: (i) Tuyên bố vô hiệu giạo dịch vay tiền giữa Bà B và Ông C do giả tạo; (ii) Buộc Bà B phải trả tiền đã vay của mình.
7. Chưa biết, Bà A có chứng minh được việc đã giao tiền cho Bà B hay không, nhưng với việc xác định tư cách tố tụng và nội dung khởi kiện như như trên sẽ đưa lại nhiều ý nghĩa pháp lý quan trọng:
- Thứ nhất, sẽ không có bất kỳ ai dám đòi đình chỉ vụ án với lý do Bà A không có quyền khởi kiện khi ông C chưa ủy quyền. Vì ở đây Bà A đang là Người khởi kiện với tư cách chính mình, tự nhận là người cho vay thực sự, thậm chí Người bị kiện còn bao gồm cả Ông C. Nên Bà luôn có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Thứ hai, việc khẳng định giao dịch giữa Bà B và Ông C là giao dịch giả tạo, cũng đồng nghĩa rằng, không cần chứng minh tồn tại việc Ông C có giao tiền cho Bà B, đương nhiên rồi, vì đó chỉ là làm giả. Từ đây, Bà A cũng không phải đưa ra những lời khai man rằng đã từng đưa tiền cho Ông C để Ông C đưa cho Bà B nhằm phù hợp với văn bản. Tiếp theo, là Bà A sẽ không gặp phải bất lợi, “tự thua” trước lời khai phản bác của Ông C là Ông chưa nhận tiền từ Bà.
8. Sau khi giải quyết được sòng phẳng vấn đề trên, coi như mọi thứ sẽ đổi vai, Bà A kiện với tư cách của chính mình, Ông C trở thành Người làm chứng trong việc vay tiền giữa Bà A và Bà B - Không còn rích rắc về tư cách tố tụng của các Bên.
9. Lời khai của tất cả các Bên đều khẳng định sự tồn tại giao dịch vay tiền giữa Bà A và Bà B, vấn đề còn lại chỉ là Bà B đã nhận tiền từ Bà A hay chưa. Bà B có thể phủ nhận việc Bà đã nhận tiền, nhưng Bà không thể phủ nhận việc Bà không xác lập giao dịch vay. Việc Bà ký vào văn bản, dù văn bản đứng tên Người khác, nhưng nó chứng minh cho thấy bà B có nhu cầu vay tiền, muốn vay tiền, nên mới liên hệ Bà A rồi dính líu đến Ông C. Đây là bằng chứng cho thấy có sự tồn tại của giao dịch vay tiền. Hiểu nôm na, tương tự như Ông Z hứa cho Ông J vay tiền, hai bên ra công chứng ký hợp đồng, trong hợp đồng thường ghi là việc giao nhận tiền ngoài sự chứng kiến của Công chứng viên, cho nên sau này nếu có tranh chấp, hợp đồng này chứng minh cho việc có tồn tại giao dịch, nhưng không chứng minh được việc giao tiền, việc giao tiền phải chứng minh bằng biên bản nhận tiền, giấy nhận tiền, hoặc chứng từ chuyển tiền quan ngân hàng…
10. Như đã nói, đến đây vấn đề còn lại chỉ là chứng minh đã giao tiền hay chưa?! Giấy nhận tiền dù đứng tên Người khác cho vay, cũng giống như trong thực tế nhiều Cha mẹ cho người ngoài vay tiền, nhưng trong sổ nhận nợ, luôn cho Con đứng tên, để sau này con đi đòi, nên không thể chỉ vì lý do đó mà có thể nói chưa nhận tiền. Trong văn bản thỏa thuận, Cô B có ghi rõ là đã nhận tiền – Vậy nếu không bị cưỡng ép, tức tự nguyện, tại sao lại ghi là mình đã nhận đủ tiền, khi mà chưa nhận. Nghĩa rằng thực tế phải đã có lấy tiền dù là lấy từ ai đi chăng nữa, thì mới xác nhận là đã nhận tiền, hay nói ngược lại nếu chưa nhận tiền, sao ghi là đã nhận đủ tiền? Để cho Công bằng, Chúng ta không loại trừ khả năng với sự non dại của Nàng Hậu, đôi khi quá tin tưởng, nên nghĩ là ký vào rồi mới nhận tiền liền sau đó, nhưng rút cuộc sau khi ký thì đã không được Người ta giao tiền?! Nói chung mọi thứ đều có thể xảy ra! Tuy nhiên về mặt chứng cứ, lập luận này rất yếu, chỉ có thể xem xét với nhiều yếu tố khác.
Nói tóm lại, như trên đã nêu - Trong Bài viết này, Chúng ta tạm chưa đưa ra kết luận về việc có hay không có việc giao tiền thực tế giữa Các Bên – Mà trọng tâm, là phân tích về khía cạnh tố tụng, để cho thấy ngay từ đầu, Người khởi kiện đã có sai lầm như thế nào, dẫn đến việc “tự thua” ra sao. Thông qua đó để Bà con ta rút ra tầm quan trọng việc vận dụng pháp luật tố tụng trong một vụ tranh chấp là quan trọng như thế nào - Bởi lúc còn trên giảng đường, đôi khi Chúng ta đã bị lầm tưởng rằng, luật nội dung mới hấp dẫn nhất, là quyết định thành bại sống còn trong một vụ án – Nhưng không phải vậy, nói đến tố tụng, là nói đến vận dụng trình tự, ai có thể vận dụng trình tự tốt hơn, sẽ chiếm ưu thế hơn.
Viết tại Sài Gòn, ngày 02/06/2023 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!