VỤ ÁN BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG – TÒA ÁN TRẢ HỒ SƠ ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG: VIỆN DẪN VÀ PHÂN TÍCH CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ!
Sáng nay (Ngày 01/6/2023), nhiều Tờ báo lớn đồng loạt đưa tin liên quan đến Vụ án của Bà Nguyễn Phương Hằng, đó là việc Tòa án nhân dân Tp.HCM đã ra quyết định trả hồ sơ Vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân Tp.HCM để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, rất tiếc là các Tờ báo này đều không đưa được thông tin, rằng Tòa án đã trả hồ sơ trong trường hợp pháp lý nào.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sau khi nhận hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển giao và Tòa án đã thụ lý vụ án, thì trong thời gian chuẩn bị xét xử, Tòa án có quyền trả hồ sơ để (yêu cầu) điều tra bổ sung (Điều 277.1.b).
Tuy nhiên, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, phải dựa trên căn cứ luật định, có nghĩa rằng không phải cứ muốn/thích trả là trả. Căn cứ điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự (Được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP có hiệu lực từ ngày 06/02/2018), thì Tòa án chỉ được ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, khi Vụ án thuộc một trong các trường hợp sau (Lưu ý là chỉ cần xảy ra một trong các trường hợp là đủ điều kiện trả hồ sơ):
1 - Thứ nhất: Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề liên quan đến việc buộc tội/gỡ tội, quyết định hình phạt mà không thể bổ sung tại phiên tòa.
2 - Thứ hai: Ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi tội phạm khác.
3 - Thứ ba: Còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
4 - Thứ tư: Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Như vậy, trong quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, Tòa án buộc phải đưa ra căn cứ cụ thể là trả vì lý do gì, dựa trên cơ sở pháp lý nào như vừa nêu. Ngoài ra Tòa án cũng phải liệt kê cụ thể những nội dung cần phải điều tra bổ sung là gì, những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng cần được khắc phục và những căn cứ pháp luật được áp dụng.
Có nghĩa rằng, Tòa án không được chỉ trích dẫn điều luật làm căn cứ trả hồ sơ là đủ, mà còn phải ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung là gì, tức không có chuyện chỉ nêu khơi khơi trả hồ sơ để điều bổ sung là xong. Do đó, trong vụ án cụ thể này, có thể thấy báo chí chỉ biết được mỗi thông tin là tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, còn cụ thể là trả vì lý do gì, dựa trên căn cứ nào, thì chưa tiếp cận được cụ thể hoặc không công bố.
Khi Tòa chuyển giao/trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đương nhiên Viện Kiểm sát sẽ phải nhận lại hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung, kết quả của việc điều tra bổ sung, sẽ dẫn đến những khả năng sau:
Một là - Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết.
Hai là - Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó.
Ba là - Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
Thời hạn để điều tra bổ sung trong trường hợp này là 01 tháng. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Tòa án không được trả hồ sơ để điều tra bổ sung quá 2 lần (1 lần dành cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và 1 lần cho Hội đồng xét xử). Nói chung, quá trình chuyển trả hồ sơ cũng mất thời gian, nên những Người quan tâm đến vụ án có thể sẽ phải đợi thêm ít nhất vài ba tháng nữa, để được xem diễn biến phiên tòa sơ thẩm!
Viết tại sài Gòn, ngày 01/06/2023 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!