VỀ VIỆC CÔNG TY ERA VIỆT NAM CHO BỐ CỦA "BÉ GÁI 8 TUỔI BỊ SÁT HẠI TẠI BÌNH THẠNH" THÔI VIỆC: LUẬN GIẢI CÁC KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CÓ LIÊN QUAN!

Liên quan đến việc Công ty Era Việt Nam ra Thông cáo truyền thông là cho thôi việc đối với bố của "Bé gái bị sát hại" - Đã dẫn đến cuộc tranh cãi không đáng có giữa một số Cư dân mạng rằng sự cho thôi việc này là đúng hay sai. Và có thể do quá bức xúc mà Các bên chủ yếu công kích cá nhân nhau, thay vì đưa ra các lập luận để bảo cho quan điểm của mình - Đó là một điều đáng tiếc! Sau tất cả - Cho dù mỗi Bên muốn đưa ra quan điểm của mình để đưa câu chuyện rẽ theo chiều hướng nào - Thì trước một vấn đề có tính pháp lý, vẫn buộc phải giải quyết nó dưới góc độ pháp luật bằng các quy định của pháp luật mà không thể dưới góc độ y học hay khoa học nào khác. Và trong Bài viết này - Bà con chúng ta sẽ giải đáp điều đó.

Quan hệ pháp luật tồn tại giữa Công ty Era Việt Nam và bố của Bé gái nêu trên, là quan hệ pháp luật lao động, thuộc phạm vi của quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng. Khoa học pháp lý gọi đây là: Các quan hệ pháp luật được điều chỉnh bởi lĩnh vực luật tư (Luật dân sự). Việc xác định quan hệ pháp luật và lĩnh vực pháp lý rất quan trọng, bởi mỗi lĩnh vực pháp lý khác nhau (Luật công - Luật tư) sẽ được điều chỉnh bởi những nguyên tắc không giống nhau. Chúng ta phải nhận thức được nguyên lý đó, thì mới có thể hiểu thấu đáo vấn đề: Chẳng hạn trong lĩnh vực luật tư, các Bên có thể được lựa chọn biện pháp thay thế, ví dụ thay vì giao vật, thì có thể bù tiền, hay giao vật khác.... Nhưng trong lĩnh vực luật công thì không được như thế, ví dụ khi bị xử phạt hành chính thì phải nộp tiền phạt mà không thể lựa chọn trách nhiệm thay thế.

Trong vụ việc Chúng ta đang bàn đến, như đã nêu, đó là quan hệ pháp luật lao động, thuộc phạm vi của quan hệ pháp luật dân sự theo nghĩa rộng, là đối tượng điều chỉnh của lĩnh vực luật tư. Theo đó - Một trong những nguyên tắc cơ bản, là khi các bên đã xác lập giao dịch làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với nhau, thì các bên phải tuân thủ và nghiêm túc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; Bên nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm dân sự với bên kia: Chẳng hạn như phải bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm (Ngôn ngữ bình dân Bà con ta hay gọi là đền hợp đồng) - Khoa học pháp lý gọi đây là trách nhiệm dân sự thay thế!

Như vậy - Trong các quan hệ pháp luật dân sự, các Bên có thể bội ước, có thể phá hợp đồng, với điều kiện là phải bồi thường cho phía bên kia toàn bộ thiệt hại xảy ra nếu có. Ví dụ: Bên mua đặt cọc 100 triệu để mua một lô đất, nhưng sau đó thấy rằng nêu tiếp tục mua lô đất này, sẽ bị thiệt hại rất lớn vì giá đất giảm mạnh, thì Bên mua có thể lựa chọn việc mất 100 triệu tiền cọc, thay vì tiếp tục thực hiện việc mua lô đất nhằm tránh một thiệt hại lớn hơn. Ví dụ tiếp: Bên vay tiền Ngân hàng biết rằng nếu đến hạn trả nợ mà không trả thì sẽ bị phạt tiền chậm trả, Bên vay đã có tiền trả đúng hạn, nhưng Bên vay thấy rằng nếu tạm dùng tiền này vào thương vụ khác và chấp nhận chịu phạt do chậm trả, thì vẫn có lời nhiều hơn, nên đã quyết định lựa chọn chậm trả và chịu phạt. Trong các ví dụ vừa nêu, Chúng ta không thể nói rằng như thế là bất công với Ngân hàng hay Bên bán, vì lẽ Bên kia vi phạm hợp đồng nhưng Họ đã chịu chế tài là mất cọc hay chịu phạt chậm trả.

Hoàn toàn tương tự như thế, trong vụ Era cho ông bố kia thôi việc. Ở đây, để khỏi bắt bẻ, nên Chúng ta tạm chấp luôn là chưa chắc chắn ông bố kia "có hay không có liên quan" gì đến cái chết của Con gái mình (Dù đương nhiên chắc chắn là có liên quan như bài trước Tác giả đã phân tích - Nhưng Chúng ta cứ chấp luôn như thế) - Nghĩa rằng, căn cứ pháp lý để Era cho thôi việc là thiếu cơ sở và có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra của vụ việc Bé gái bị sát hại và sự phẫn nộ của dư luận đối với người bố kia, thì việc Era có thể bị vạ lây là hoàn toàn có cơ sở: Đó là việc bị ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của Công ty, dẫn tới việc ảnh hưởng kinh doanh, doanh thu giảm, gây thiệt hại cho Công ty, khi bị khách hàng tẩy chay. Trước tình thế đó, Era có quyền đưa ra một lựa chọn có thể dẫn đến rủi ro pháp lý, là có thể bị ông bố này kiện do phá hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại - Nhưng dẫu có thể, dù có phải bồi thường cho người bố, thì cũng đỡ hơn gấp trăm gấp ngàn lần thiệt hại mà nếu để ông ta tiếp tục làm việc, thì công ty có thể gánh lấy.

Như vậy - Quyết định của Era là đã lựa chọn một trách nhiệm pháp lý thay thế có thể gặp phải là bồi thường cho người bố, nhằm tránh một thiệt hại lớn hơn mà có thể không khắc phục được. Lựa chọn này được pháp luật cho phép cùng một trách nhiệm pháp lý thay thế như vừa nêu - Đây chính là một đặc trưng của lĩnh vực pháp luật tư. Do đó, quyết định của Era là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, hợp lẽ - Era là một Pháp nhân, là tập hợp của nhiều Con người và cuộc sống của nhiều Gia đình. Họ cần được quyền đánh giá, phân tích, lựa chọn để đưa ra một quyết định vì nhiều Con người - Sẽ thật vô lý, nếu cứ bắt Họ phải ôm khư khư một nhân sự, mà có thể phải mạo hiểm đánh đổi cả vận mệnh một Công ty với biết bao Con người. Còn nếu người bố kia cho rằng việc chấm dứt hợp đồng với mình là trái pháp luật, thì có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại - Không ai có quyền hạn chế lối đi này của Anh ta cả.

------

Mỗi một ngành luật, mỗi một lĩnh vực pháp lý có những nguyên tắc đặc trưng rất cơ bản cho riêng nó. Những nguyên tắc này luôn được xếp ở thứ tự ưu tiên, so với các quy định cụ thể khác trong toàn hệ thống của lĩnh vực đó. Do vậy - Việc hiểu rõ và vận dụng các nguyên tắc này là rất quan trọng, thậm chí nó chính là kim chỉ nam, là sự chi phối cho nhận thức đối với phần còn lại của các quy phạm cụ thể. Cũng chính vì thế, việc không nắm rõ các nguyên tắc nền tảng đó, đã dẫn đến hệ quả áp dụng các quy định pháp luật một cách sai lầm.

Viết tại Sài Gòn, ngày 31/12/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan