VỤ THIẾU NIÊN BỊ ĐÁNH ĐẬP HÀNH HẠ TẠI QUÁN BÁNH XÈO Ở BẮC NINH: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CÓ LIÊN QUAN!

Vài ngày qua, Vụ việc hai thiếu niên khoảng 14, 15 tuổi là Người làm công bị Chủ quán bánh xèo đánh đập, hành hạ tại Bắc Ninh - Đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận. Sau một thời gian có vẻ như là yên ắng, thì gần đây, những Vụ việc đánh đập Người làm công nhỏ tuổi, đang có xu hướng xuất hiện trở lại. Nhằm giúp Bà con có thể hiểu thêm các quy định của pháp luật, có liên quan đến Vụ việc - Trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích và luận giải một số tình tiết có giá trị chứng cứ và chứng minh, cũng như đánh giá và viện dẫn các yếu tố pháp lý, để Bà con tham khảo.

I. HIỂU VỀ QUY TRÌNH TỐ TỤNG

1. Theo thông tin từ một số Trang báo, hiện tại Bà Chủ quán đã bị "Bắt"! Cách nói ngắn gọn đó, khiến cho Bà con ta hiểu lầm, là hành vi của Người này đã bị xác định là có dấu hiệu tội phạm, nên mới bị bắt. Thực ra không phải vậy! Luật tố tụng hình sự, quy định về nhiều trường hợp bị bắt: Ví dụ, bắt Người phạm tội quả tang, bắt Người bị truy nã, bắt Bị can, bị cáo để tạm giam, bắt Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp - Nhưng không phải trường hợp "bắt' nào trong những trường hợp vừa nêu, thì Người bị bắt cũng đều đã bị xác định là có hành vi thực hiện tội phạm.

2. Một Vụ việc, chỉ có thể được coi là có dấu hiệu tội phạm hình sự, kể từ lúc Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định: Khởi tố vụ án hình sự. Còn một Người, chỉ có thể bị coi là nghi phạm đã thực hiện hành vi phạm tội, kể từ khi Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định: Khởi tố Bị can. Xét về mặt thời gian, luôn phải ra quyết định Khởi tố Vụ án trước, và ra quyết định Khởi tố Bị can sau.

3. Trong Vụ việc Chủ quán bánh xèo đánh đập Thiếu niên làm công này, Cơ quan có thẩm quyền chưa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự - Nghĩa rằng, cho đến lúc này, vẫn chưa xác định đây có phải là Vụ án hình sự hay không, và đương nhiên vì thế, chưa ai bị khởi tố Bị can cả. Hiện tại, Cơ quan có thẩm quyền đang trong giai đoạn xác minh tin báo về tội phạm, tức là thực hiện các công việc nhằm xác định Vụ án có dấu hiêu tội phạm hay không, để còn tiến hành khởi tố, điều tra. Và để nhằm phục vụ cho giai đoạn xác minh có hay không có dấu hiêu Vụ án hình sự, thì Cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định bắt giữ Người trong trường hợp khẩn cấp đối với Chủ quán. Trên cơ sở đó, hiện tại chủ quan đang bị tạm giữ hình sự, để cung lấp lời khai và làm rõ các vấn đề có liên quan.

4. Thời gian tạm giữ hình sự tối đa là 9 ngày! Kết thúc 09 ngày này, những khả năng có thể xảy ra: Vụ việc không có dấu hiệu tội phạm hình sự, mà chỉ là vi phạm hành chính, thì phải trả tự do ngay cho Người bị tạm giữ; Nếu Vụ việc được xác định có dấu hiệu tội phạm: Cơ quan Điều tra có thẩm quyền sẽ ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố Bị can, và tiến hành điều tra Vụ án. Lúc này, Chủ quán bị xác định là nghi phạm và mang thân phận Bị can. Tuy nhiên, Chủ quán này có thể bị tạm giam hoặc không, vì không phải Bị can nào cũng bị tạm giam, nó phụ thuộc vào loại tội phạm nguy hiểm mức độ nào, nhân thân ra sao, để xác định có bị tạm giam hay không. Có thông tin, Chủ quán này đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, cộng với việc loại tội phạm nếu có này, không thuộc dạng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nên có thể cho tại ngoại để điều tra.

II. PHÂN TÍCH LUẬN GIẢI CÁC TÌNH TIẾT PHÁP LÝ

Để làm sang rõ bản chất Vụ việc này có phải là Vụ án hình sự hay không, tức là có dấu hiệu tội phạm hình sự hay không, và nếu có thì thuộc Tội danh nào - Những vấn đề pháp lý sau đây cần phải được xác định, chứng minh và làm rõ:

1. Trong vụ việc này cả Nạn nhân và Chủ quán đều thừa nhận có hành vi đánh đập, các dấu vết về thương tích bị đánh đập hiện vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy, là lời khai của các bên đều phù hợp với chứng cứ vật chất khác. Cho nên, có thể xác định ngay, hành vi của Chủ quan thuộc dạng hành vi cố ý, tất nhiên phải là như vậy. Nghĩa rằng, không có chuyện vô ý hay vô tình đánh đập Người khác - Đây là điều không cần bàn cãi.

2. Theo đó, bước quan trọng cần phải làm là tiến hành giám định thương tích đối với Nạn nhân xem thương tích cụ thể là bao nhiêu phần trăm. Bởi lẽ, Luật quy định: Đối với Tội danh cố ý gây thương tích, thì phải từ 11% thương tích trở lên mới cấu thành tội phạm; Còn nếu dưới 11% thương tích, thì chỉ cấu thành tội phạm khi có kèm theo thêm các tình tiết khác như: nạn nhân phải dưới 16 tuổi hoặc dùng hung khí nguy hiểm ........

3. Phải xác định chính xác tuổi của Nạn nhân. Điều này cũng cực kỳ quan trọng. Vì như trên đã nói, nếu giám định thương tích là dưới 11%, thì Chủ quan chỉ có thể bị xác định là Tội phạm, khi Vụ việc có kèm các tình tiết khác, mà cụ thể ở đây là Nạn nhân phải dưới 16. Do đó việc xác định chính xác tuổi của nạn nhân là yếu tố bắt buộc. Thông tin báo chí có nói Nạn nhân 15 tuổi. Nhưng Bà con phải lưu ý: Luật dùng cụm từ "Dưới 16 tuổi" - Chứ không phải là "Chưa đủ 16 tuổi" - Nghĩa rằng nếu Nạn nhân đã 15 tuổi 1 ngày, tức đã bước sang tuổi 16, nên không còn được xem là dưới 16 tuổi nữa. Nôm na: Tuổi theo cách tính của Luật, và cách gọi tên của Bà con hay báo chí, có thể khác nhau.

4. Phải xác định, Chủ quán gây thương tích cho nạn nhân bằng hung khi gì, có thuộc loại nguy hiểm dễ gây sát thương và sát thương lớn hay không. Có thông tin, là Chủ quan gây thương tích bằng sắt nóng đang nung trên than lửa rồi áp vào da thịt - Nếu có thật, thì đây không chỉ được xem là hung khí nguy hiểm, mà là quá nguy hiểm, thậm chí có thể coi là tội ác, bởi cách tra tấn giống thời trung cổ. Tất nhiên, đây chỉ là thông tin báo chí đăng tải, còn sự thật vẫn cần phải xác minh. Ngoài ra, cũng cần phải xác minh, thực nghiệm xem, công việc mà những Thiếu niên này đang làm tại quán có thuộc dạng nặng nhọc hay nguy hiểm không, ví dụ như việc chiến bánh xèo có khả năng gây phỏng, thương tích hay không.

III. ĐÁNH GIÁ CÁC KHẢ NĂNG

Đây là giai đoạn, là bước tiếp theo liền kề, sau khi Chúng ta đã phân tích và luận giải các tình tiết pháp lý nêu trên. Theo đó, dựa trên các tình tiết pháp lý, các chứng cứ đã thu thập được - Trong trường hợp xác định - Đây là Vụ án hình sự, thì những khả năng về Tội danh mà Chủ quản có thể phạm phải, được phân tích dưới đây:

1. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của Người khác

Theo đó, sau khi giám định thương tích, nếu thương tích của nạn nhân là từ 11% trở lên, hoặc thương tích dưới 11% nhưng hành vi của Chủ quán có kèm theo chỉ cần một trong các tình tiết sau: Nạn nhân dưới 16 tuổi; Dùng vũ khí, hung khí nguy hiểm; Có tính chất côn đồ .... Thì Chủ quán có thể bị khởi tố và điều tra về Tội danh cố ý gây thương tích. Ngoài ra, sẽ căn cứ vào mức độ thương tích và một số yếu tố khác, để xác định khung hình phạt có thể áp dụng (Cũng là một tội danh, nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà khung hình phạt khác nhau từ nhẹ đến nặng).

2. Tội hành hạ Người khác

Trong Vụ việc này, giữa Chủ quán và nạn nhân có mối quan hệ phụ thuộc là Chủ và Người làm công. Do đó, nếu không đủ yếu tố về thương tích để thoả mãn tội danh nêu trên. Thì có thể buộc Chủ quán phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội danh hành hạ Người khác. Tội danh này thì yếu tố thương tích không phải dấu hiệu của Cấu thành tội phạm: Thay vào đó, chỉ cần chứng minh các bên có mối quan hệ phụ thuộc, và Chủ quán có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục nạn nhân, là xem như Tội danh có thể thành lập.

3. Tội vi phạm quy định về sử dụng Người lao động dưới 16 tuổi?

Như trên đã phân tích: Nếu trong Vụ việc này, sau khi tiến hành điều tra, xác minh, có căn cứ để khẳng định nạn nhân dưới 16 tuổi, và công việc mà nạn nhân phải làm là nặng nhọc, nguy hiểm, cộng với việc Chủ quán đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này ....... Thì Chủ quán có thể bị xem xét về Tội danh vi phạm quy định về sử dụng Người lao động dưới 16 tuổi. Tác giả đặt ra khả năng này, để Bà con có thể hiểu rộng hơn, nhưng xét trong vụ việc thực tế này, khả nay này hiếm xảy ra.

Cuối cùng - Nếu không có đầy đủ chứng cứ để chứng minh: hành vi của Chủ quán, không đủ yếu tố để cấu thành bất kỳ tội danh nào, trong các Tội danh trên, thì đương nhiên lúc này chủ quán không phải là tội phạm. Hành vi vi phạm của Chủ quán, có thể chỉ bị phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, Luật Hình sự còn có quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quy định về miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt - Đó sẽ là những yếu tố được xem xét đến khi Điều tra, truy tố, xét xử Người bị cho là có hành vi thực hiện Tội phạm.

Bên cạnh đó: Lưu ý với Bà con - Trong trường hợp này, chủ quán chỉ có thể bị xem xét về Tội cố ý gây thương tích hoặc Tội hành hạ Người khác, chứ không thể truy cứu trách nhiệm hai Tội danh này cùng lúc, vì cùng mội loại hành vi, thì không thể bắt họ chịu hai tội danh. Tuy nhiên, nếu khi xác định được Chủ quán phạm một trong hai tội vừa nêu - Thì vẫn có thể buộc chịu thêm Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi: Vì hành vi cố ý gây thương tích hay hành hạ người khác - Với hành vi sử dụng Người lao động dưới 16 tuổi là khác nhau.

Trước mắt hiện tại - Điều mà Chủ quán và Gia đình Chủ quán cần làm là phải tiến hành chăm sóc, bồi thường thiệt hại đầy đủ cho Nạn nhân. Đó là cách sửa sai đầu tiên và tốt nhất, cũng là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý. Hơn tất cả, đó còn là để chuộc lại một phần nào đó, nghiệp quả đã gieo. Chỉ cần hối cải, chân thành, và trách nhiệm, thì chưa nói gì đến sự trừng phạt của pháp luật, hay phẫn nộ của dư luận - Mà Chính trong tâm đã tự thấy nhẹ nhõm, thanh thản phần nào.

Viết tại Sài Gòn, ngày 26/11/2020 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan