TỪ CHỐI KHÁM BỆNH/CHỮA BỆNH – TRÁCH NHIỆM HÀNH CHÍNH VÀ TỘI PHẠM HÌNH SỰ: VIỆN DẪN VÀ PHÂN TÍCH!

Dẫn nhập: “Ngày 14-8, gia đình ông N.D. (57 tuổi, quê huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đã tổ chức đám tang cho ông sau khi ông tử vong vì bị tai biến tại nhà trọ ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Người bệnh chuyển biến nặng nhưng chạy lòng vòng 5 cơ sở y tế, trong đó có 3 bệnh viện và 2 phòng khám nhưng không được nơi nào tiếp nhận điều trị, cuối cùng phải trở về phòng trọ rồi tử vong.” – Trích từ Báo Tuổi trẻ.

Cần lưu ý rằng - Việc các cơ sở y tế trên từ chối cấp cứu cho bệnh nhân, hầu như KHÔNG phải vì lý do quá tải: "Bệnh viện Quân đoàn 4 cho rằng khi đó vừa cấp cứu xong cho một ca F0 diễn biến nặng, vừa chuyển viện lên tuyến trên, chưa khử khuẩn xong nên "sợ lây nhiễm COVID-19 cho bệnh nhân", đã hướng dẫn người nhà đưa ông D. tới bệnh viện khác. Phòng khám Nam Anh xác nhận người nhà ông D. có chở bệnh nhân đến nhưng khi được bảo vệ trả lời bệnh nhân nặng thì phải đưa đi tới bệnh viện vì phòng khám không đủ khả năng......." - Trích từ Báo Tuổi trẻ.

Câu chuyện trên là một hiện trạng đáng buồn - Và có thể không chỉ dừng lại ở vụ việc này, bệnh nhân cũng không phải bị bệnh hay tử vong vì Covid 19! Cần phải khẳng định ngay rằng: Hành vi từ chối nhận khám, chữa bệnh nêu trên của các bệnh viện, phòng khám là một hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, khi đã vi phạm điều cấm của luật, dẫn đến hậu quả chết Người – Cho nên hành vi vi phạm đó, không thể chỉ dừng lại ở việc “Sẽ xử lý nghiêm các bệnh viện” như lời Giám đốc sở y tế Bình Dương, mà cần phải đặt vấn đề và cụ thể hóa trách nhiệm hành chính, bao gồm cả trách nhiệm kỷ luật hoặc thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của Người có hành vi vi phạm. Được luận chứng cụ thể sau đây:

1. Luật khám bệnh, chữa bệnh nghiêm cấm hành vi “Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh” – Trừ trường hợp, nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

2. Như vậy – Căn cứ vào quy định nêu trên, cho thấy việc các bệnh viện từ chối nhận khám, chữa bệnh, cấp cứu cho nạn nhân là đã vi phạm điều cấm của Luật. Hành vi vi phạm này, là cơ sở làm phát sinh trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự của Người thực hiện hành vi vi phạm. Chủ thể phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này, chính là Người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh, chẳng hạn như Giám đốc bệnh viện, hoặc/và Cấp phó của họ, nếu đã được ủy nhiệm, phân quyền giải quyết những công việc này, hoặc một Người nào đó có thẩm quyền đã trực tiếp từ chối việc tiếp nhận.

3. Theo quy định tại Nghị định 117 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh, sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra Người có hành vi vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn nhất định, bị kỷ luật cách chức, đuổi việc, sa thải…..

4. Bên cạnh đó, do trong trường hợp này, hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh đã để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là nạn nhân tử vong – Nên Người có hành vi phạm, có thể phải đối diện với trách nhiệm hình sự, nếu như các dấu hiệu khác về cấu thành tội phạm của tội danh nhất định được thỏa mãn. Đó có thể là các tội danh như: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh……..

Chế tài pháp luật, trách nhiệm pháp lý như đã nêu trên chỉ là một phần; Khám bệnh, chữa bệnh là thiên chức, là sứ mệnh cao cả của Bệnh viện/Bác sĩ – Cho nên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc từ chối cứu chữa bệnh nhân, đó là hành vi trái luân thường đạo lý, trái đạo đức, không đúng phẩm cảnh của Người thầy thuốc. Sức khỏe và sinh mệnh Con người là vô giá, nếu chẳng may bị bệnh nan y, vô phương cứu chữa, Người thầy thuốc dù đã nỗ lực hết sức, nhưng đành bó tay, thì Chúng ta không có gì để oán trách, thậm chí vẫn phải luôn trân quý và biết ơn – Nhưng việc từ chối cấp cứu bệnh nhân, không phải bệnh nan y, hoàn toàn có thể cứu chữa, dẫn đến hậu quả tử vong, thì không có một lý do gì, để có thể bào chữa cho hành đồng vô pháp, vô cảm, vô đức đó!

Viết tại Sài Gòn, ngày 16/08/2021 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan