TỪ VỤ VIỆC "BÁO PHÁP LUẬT VIỆT NAM BỊ XỬ PHẠT VÀ ĐÌNH BẢN 03 THÁNG": BẠN ĐỌC CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM KHI CHIA SẺ CÁC BÀI BÁO CÓ SỰ VI PHẠM PHÁP LUẬT?!

Dẫn nhập: "Báo Pháp luật Việt Nam bị xử phạt hành chính về 13 lỗi vi phạm, trong đó 2 lỗi xử phạt cảnh cáo, 11 lỗi xử phạt bằng tiền (325 triệu đồng), đình bản 3 tháng với báo Pháp luật Việt Nam điện tử... Trước đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí tại báo Pháp luật Việt Nam, trong đó nêu hàng loạt sai phạm của tờ báo này... Nhiều bài viết có nội dung mang tính suy diễn, không có cơ sở, đăng tải nội dung thông tin không thống nhất, thể hiện quan điểm và cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc là thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Nhiều bài viết có tính chất giật gân, câu khách... Nhiều bài viết của báo quy kết tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho một cá nhân khi chưa có bản án của tòa án...". - Trích từ Báo Tiền Phong.

Trước thông tin về vụ việc Báo pháp luật Việt Nam - Cơ quan của Bộ tư pháp, bị xử phạt vi phạm như vừa nêu, đã có một số Bà con đặt câu hỏi với Tác giả rằng: Vậy Độc giả có phải chịu trách nhiệm gì khi đã chia sẻ thông tin từ các Bài báo mà những Bài báo này sau đó bị kết luận là vi phạm quy định của pháp luật như vừa nêu hay không?! Đây là một vấn đề khá thú vị, và thiết nghĩ Chúng ta cần mở rộng phạm vi Chủ thể cho câu hỏi vừa rồi, thì vấn đề sẽ càng trở nên sinh động hơn, bởi lẽ, có thể không phải chỉ có Bạn đọc mới chia sẻ các Bài báo, mà nhiều trường hợp có sự chia sẻ Bài báo, từ chính các Tờ báo khác nhau - Ví dụ: Báo Tuổi trẻ có đăng một Bài viết nào đó, và các Báo khác như Báo Thanh Niên, Báo Lao Động chia sẻ lại và có dẫn nguồn từ Báo Tuổi trẻ; Vậy thì việc Báo Thanh niên, Báo Lao động chia sẻ lại như vậy, có khác gì với Bạn đọc là Cá nhân chia sẻ lại hay không?!?!...

Trước hết - Cần lưu ý rằng, ở đây Chúng ta đang chỉ nói về các Trang báo chính thống, hoạt động hợp pháp theo quy định của Luật báo chí, mà không nói về các Trang mạng xã hội không hoạt động theo Luật báo chí. Theo đó, hoạt động báo chí là một lĩnh vực hoạt động có điều kiện, tức là phải được cấp phép để được thành lập, hoạt động dựa trên quy định của Luật báo chí và quy đinh khác của pháp luật có liên quan. Để được cấp phép thành lập, hoạt động trong lĩnh vực báo chí, thì Chủ thể phải đáp ứng rất nhiều điều kiện vô cùng phức tạp và ngặt nghèo, nghĩa rằng không phải Ai muốn thành lập, hoạt động đều được. Và để một Bài báo cụ thể, được phát hành ra Công chúng, phải có sự kiểm duyệt cẩn mật bởi Đội ngũ biên tập, xuất bản có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bà con có thể hiểu nôm na, giống như Bác sỹ vậy, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết, mới có thể được tiến hành khám, chữa bệnh, chứ không phải Ai cũng có thể tiến hành khám bệnh, chữa bệnh.

Điều đó cũng có nghĩa rằng - Khi một Tờ/Trang báo đang hoạt động một cách bình thường và hợp pháp, thì mỗi Bài viết/Bài báo được phát hành - Bạn đọc (Người dân) có quyền tin tưởng rằng: (i) Tờ/Trang báo đó đã/đang thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là "Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân" (Điều 4.2.a Luật Báo chí năm 2016); Và (ii) Tờ/Trang báo đó không hề vi phạm điều cấm là "Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án" (Điều 9.8 Luật Báo chí năm 2016)...

Bởi lẽ - Nếu như có việc Tờ/Trang báo/Bài báo nào đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm đó, trước hết thuộc về các Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Cũng chính bởi thế, chừng nào chưa có quyết định của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc Tờ/Trang báo/Bài báo nào đó là có vi phạm pháp luật - Thì Bạn đọc có quyền áp dụng tương tự "Nguyên tắc suy đoán vô tội" đối với Tờ/Trang báo/Bài báo đó: Bạn đọc được quyền, thậm chí là nghĩa vụ phải xem Tờ/Trang báo/Bài báo đó là hợp pháp và có quyền chia sẻ; Bạn đọc không biết và không bắt buộc phải biết Tờ/Trang báo/Bài báo nào đó là vi phạm pháp luật, chừng nào chưa có quyết định của Cơ quan chức năng kết luận rằng Tờ/Trang báo/Bài báo đó có sự vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy - Việc Bạn đọc chia sẻ các Bài báo chính thống vào thời điểm Bài báo này đang được lưu hành hợp pháp, nhưng sau đó lại có kết luận của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bài báo đó có vi phạm pháp luật, thì Bạn đọc cũng không phải chịu bất kì trách nhiệm nào đối với việc mình đã chia sẻ Bài báo đó vào thời điểm nó vẫn đang lưu hành hợp pháp, dựa trên những căn cứ pháp lý và cơ sở luận chứng vừa nêu.

Tuy nhiên - Vấn đề sẽ hoàn toàn khác, nếu sau khi đã có kết luận của Cơ quan chức nằng về việc Tờ/Trang báo/Bài báo nào đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng Bạn đọc vẫn tiếp tục chia sẻ. Về nguyên tắc, khi một Bài báo bị kết luận là vi phạm pháp luật, thì Bài báo đó sẽ bị gỡ bỏ, cho nên Bạn đọc không thể truy cập, và cũng không thể chia sẻ. Nhưng có tình huống, là vào thời điểm Bài báo đang lưu hành hợp pháp, Bạn đọc đã chụp lại Bài báo, hoặc coppy nguyên văn Bài báo, nên mặc dù Bài báo đó đã bị gỡ bỏ, Bạn đọc vẫn có thể chia sẽ bản chụp hoặc bản coppy - Thì lúc này, hành động chia sẻ, phát tán thông tin của Bài báo sau khi đã có kết luận sai phạm, lại là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và phải chiu trách nhiệm pháp lý tùy thuộc vào mức độ lỗi và hậu quả xảy ra. Tùy thuộc vào mức độ lỗi, nghĩa rằng nếu biết Bài báo đã có kết luận vi phạm, đã phải gỡ bỏ mà vẫn chia sẻ, là lỗi cố tình; Còn nếu vì không biết mà chia sẻ, gọi là vô tình; Và đương nhiên lỗi cố ý bao giờ cũng trách nhiệm nặng hơn lỗi vô ý.

Nói tóm lại - Việc Bạn đọc chia sẻ một Bài báo khi Bài báo đó vẫn đang lưu hành hợp pháp, thì việc chia sẻ đó là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, dẫu cho sau đó Bài báo này bị kết luận là vi phạm pháp luật; Còn nếu Bạn đọc chia sẻ một Bài báo sau khi đã có kết luận Bài báo đó vi phạm pháp luật, thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy thuộc vào mức độ lỗi, hậu quả đã xảy ra. Tuy nhiên, những điều vừa nêu, chỉ áp dụng đối với Bạn đọc là Bà con Chúng ta - Còn nếu Chủ thể chia sẻ lại các Bài báo, lại là các Tờ/Trang báo khác, thì vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều: Bởi ngay lúc chia sẻ lại một Bài báo nào đó, cũng chính đang là hoạt động báo chí - Cho nên, giả dụ báo "Thanh..." chia sẻ lại một Bài báo của báo "Pháp...", cho dù thời điểm đó Bài báo đang được lưu hành hợp pháp, nhưng nếu sau đó Bài báo này bị kết luận là vi phạm pháp luật, thì báo "Thanh... " cũng có thể phải chịu trách nhiệm theo Luật báo chí và pháp luật có liên quan, mà không có quyền lập luận rằng chỉ là chia sẻ lại từ báo "Pháp... ". Bởi khác với Bạn đọc là Người dân bình thường, việc báo "Thanh... " khi chia sẻ lại một Bài náo đó của báo "Pháp... ", thì ngay thời điểm đó, chính báo "Thanh... " đang hoạt động theo luật Báo chí, nên buộc phải tuân thủ theo quy định của Luật báo chí, là phải đưa tin trung thực, chính xác, mà như vậy, sẽ phải kiểm chứng, xác minh thông tin, chứ không thể chỉ biết dẫn nguồn, rồi chia sẻ lại như Người dân bình thường... Cho nên đây là vấn đề các Bạn đang hoạt động trong ngành Báo chí phải hết sức thận trọng!

Một điều cuối cùng, mà Bà con cần phải lưu ý: Đó là việc chia sẻ như vừa nêu trên, phải là chia sẻ "Nguyên đai/Nguyên kiện" nghĩa là phải chia sẻ nguyên văn, đúng bản gốc, hoặc chỉ kèm thêm những từ ngữ vô thưởng, vô phạt như "Mọi người cùng đọc, cùng xem, cùng tham khảo" (Đại ý/Đại loại vậy) thì mới dẫn đến hệ quả pháp lý như đã trình bày. Còn nếu Bà con chia sẻ các Bài báo đó, nhưng lại kèm một đoạn bình luận rất dài dòng, dẫn dắt vấn đề đi theo một hướng khác, thì Bà con có thể phải chịu trách nhiệm, nhưng là trách nhiệm do nội dung bình luận dẫn dắt, chứ không phải trách nhiệm vì đã chia sẻ Bài báo. Ví dụ: Nếu Báo chí đăng tải thông tin hàng xóm của Bà con bị Công an mời làm việc, và Bà con chia sẻ nguyên văn Bài báo này thì không ấn đề gì; Nhưng nếu Bà con vì hiềm khích cá nhân, nên khi chia sẻ Bài báo, đã đưa thêm nội dung bình luận có tính dẫn dắt (Đại loại như): "Cả nhà đọc nhé! Đấy thấy chưa, đã bảo mà, biết ngay mà, loại này không đầu trộm đuôi cướp, thì cũng lưu manh, nghiện ngập..." - Thì lúc này, bản chất vấn đề không phải ở chổ chia sẻ Bài báo, mà là ở đoạn bình luận dẫn dắt của Bà con. Đây chính là những vấn đề khác xa nhau, Bà con phải hiểu rõ, để tránh trường hợp hiểu nhầm, rằng tại sao chia sẻ Bài báo mà lại vi phạm, trong khi thực chất sự vi phạm là ở nội dung bình luận có thể không đúng sự thật kia. Hay nói cách khác, Bà con cần phải hiểu đúng đối tượng, bản chất vấn đề, từ đó mới biết đích xác là có thể gặp rủi ro pháp lý ở chổ nào, bởi nguyên nhân gì, từ đó mới có phương cách phòng tránh.......

Viết tại Sài Gòn, ngày 06/07/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan