VỤ TÀI XẾ XE GLC 300 TÔNG CHẾT NGƯỜI Ở BÌNH THUẬN: KHOA HỌC ĐIỀU TRA HÌNH SỰ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN!

Có thể nói rằng, vụ việc Tài xế xe mercedes tông chết người tại Bình Thuận vài ngày qua – Là một tình huống pháp lý khá cân não, đối với những Người làm công tác chuyên môn pháp lý, khi xác định tội danh nào của Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng cho Tài xế. Hiện tại, đã có một số Chuyên gia pháp lý đưa ra quan điểm của mình về vụ việc – Có thể dẫn chiếu:

(i) Trên Báo điện tử Giao thông với Bài viết có tiêu đề “Tài xế Mercedes tông chết người ở Bình Thuận bị xử lý thế nào?” đã phỏng vấn một Tiến sỹ luật về tình huống vừa nêu, Chuyên gia pháp lý này cho rằng: Hành vi của Tài xế là hành vi giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự, có thể kèm theo nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như "có tính chất côn đồ" và "bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người". Khung hình sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình".

(ii) Trong khi đó, trên Báo điện tử Công lý với Bài viết có tiêu đề “Tài xế GLC 300 cán chết người tại Bình Thuận: Lỗi cố ý hay do bị kích động?” có dẫn lời một Luật sư, đã cho rằng: Hành vi của Tài xế là hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt là 07 năm tù.

Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội khác, nhiều Chuyên gia pháp lý cũng có đưa ra quan điểm về vụ việc, nhưng tựu chung lại đều thuộc một trong hai luồng ý kiến: Giết Người hoặc giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Như vậy – Theo đó, tất cả các quan điểm này, đều giống nhau ở một điểm khi cho rằng, hành vi của Tài xế là hành vi giết người, tức cố ý tước đoạt mạng sống người khác (Cố ý trực tiếp) hoặc tuy không mong muốn, nhưng phó mặc cho hậu quả đó xảy ra (Cố ý gián tiếp); Và chỉ khác nhau ở điểm còn lại, đó là Tài xế có đang ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không mà thôi.

Tuy nhiên, có thể nói rằng, với tất cả những gì hiện có là một Video quay lại nội dung vụ việc, thì việc kết luận ngay được Tài xế phạm tội gì là có phần vội vàng, chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Vì lẽ, dù có khác nhau ở tình tiết có hay không có sự kích động mạnh về tinh thần, thì các quan điểm trên đều thống nhất cho rằng, hành vi của Tài xế là giết người: Có nghĩa, các Chuyên gia đã kết luận vào thời điểm xảy ra hành vi, Tài xế rõ ràng đã nhìn thấy có người đứng trước đầu xe, Tài xế đã cố tình đâm vào nạn nhân, Tài xế có đủ điều kiện để phanh xe, nhưng không thực hiện… Thì mới đi đến khẳng định, hành vi của Tài xế là giết người! Nhưng sự thật và công lý có đơn giản như vậy? Trong Bài viết này, Bà con chúng ta sẽ phân tích, luận giải một số vấn đề có liên quan đến vụ việc, đưa ra những gợi mở về sau, cho kết quả pháp lý của Vụ án này.

1. Hành vi của Tài xế mang tính bộc phát, tức thời. Trong khoa học hình sự, chia hành vi phạm tội thành loại tội phạm có dự mưu và loại tội phạm bộc phát. Tội phạm dự mưu, là loại tội phạm có sẵn kế hoạch phạm tội từ trước, có chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội, tìm hiểu trước về địa điểm, thời gian gây án – Với loại tội phạm này, việc kết luận sơ bộ phạm tội gì, có phần dễ dàng, khi kết hợp với hậu quả xảy ra; Ví dụ: Ông A vì có mâu thuẫn, thù hận với Ông B nên đã lên kế hoạch sát hại Ông B, vì vậy khi thấy Ông B đang đi bộ một mình trên đường, đã lao xe tông trực diện, khiến Ông B tử vong, đây là hành vi giết người mà không có gì phải bàn luận thêm. Ngược lại, Tội phạm bộc phát, là hành vi phạm tội được thực hiện trong một bối cảnh nhất định, mà không hề có dự tính từ trước, nguyên nhân gây án bị thúc đẩy bởi những lý do xảy ra trong tức thời - Với loại tội phạm này, việc kết luận sơ bộ phạm tội gì, có phần khó khăn, cần phải điều tra, xác minh, kết hợp với nhiều yếu tố khác, thì mới có thể khẳng định được; Tình huống Tài xế nêu trên là một ví dụ điển hình.

2. Thời gian và bối cảnh là một yếu tố quan trọng để xác định cấu thành tội phạm. Vụ việc xảy ra lúc đêm muộn, mặc dù có đèn đường, nhưng không thật sáng, khung cảnh hỗn loạn, Tài xế bị bao vây tứ phía – Câu hỏi cốt tử trong tình huống này, đó là ngay trước lúc chuẩn bị đâm vào nạn nhân, Tài xế có nhìn thấy nạn nhận ở ngay trước đầu xe không?! Điều này chưa thể khẳng định khi xem Video, mà cần phải thực nghiệm hiện trường, xem xét các chứng cứ khác, không thể loại trừ khả năng là vào thời điểm đó, với sự hỗn loạn, bị nguy hiểm bao vây tứ phía, thì Tài xế đã bị phân tâm, đang ngó nhìn các hướng khác, nên không kịp thời nhìn thấy nạn nhân ở phía trước, nên đã không xử lý kịp. Nếu khả năng này xảy ra, hành vi của Tài xế không thể là giết người. Vì như đã nói, một khi kết luận đó là hành vi giết người, cũng có nghĩa khẳng định rằng: Vào thời điểm xảy ra hành vi, Tài xế rõ ràng đã nhìn thấy có người đứng trước đầu xe, Tài xế đã cố tình đâm vào nạn nhân, Tài xế có đủ điều kiện để phanh xe, nhưng không thực hiện.

3. Cự ly và tốc độ là yếu tố trọng tâm cần được xem xét thấu đáo. Trước khi tông vào nạn nhân, Tài xế đã cho xe chạy vòng vòng, xoay tua, trong một phạm vi rất hẹp, xung quanh chai lọ được ném từ các hướng, nạn nhân cũng không thiếu phần hung hăng, khi bất chợt đi sau đuôi xe, rồi thình lình xuất hiện trước đầu xe nạn nhận, sự hỗn loạn đó, khoảnh khắc tích tắc đó, có đủ để Tài xế nhìn thấy nạn nhân hay không, và có xử lý kịp tình huống không? Hay nói cách khác, ở đây Tài xế đã cố tình tông vào nạn nhân hay nạn nhân đã lao vào đầu xe của Tài xế, là không thể vội vàng kết luận. Câu hỏi cốt tử trong tình huống này, đó là: Nạn nhân có lựa chọn nào khác, ngoài việc bất ngờ xuất hiện chình ình trước đầu xe tài xế hay không? Giả dụ như, lúc đầu là một con hẻm cụt, Tài xe đuổi nạn nhân đến hẻm cụt, nạn nhân không còn đường tránh nào khác, thì đương nhiên không còn gì bàn cãi, đó sẽ là hành vi cố sát – Nhưng đằng này đường thì rộng, lề thì có, bao nhiều “Đồng đảng” tránh được, chỉ mình nạn nhân không tránh được, bị tông ngay giữa đường, thì đó là vấn đề cần phải xem xét, để đi đết kết luận về cấu thành tội phạm.

4. Ánh sáng và tầm nhìn là yếu tố không thể xem nhẹ. Như trên đã nêu, vụ việc xảy ra vào lúc đêm muộn, mọi thứ diễn ra rất nhanh, trong một phạm vi hẹp, do đó, cần phải xác định xem Tài xế có đủ ánh sáng, tầm nhìn, thời gian, không gian, để đủ xác định được nạn nhân đã xuất hiện trước đầu xe của mình và cần phải hãm phanh không! Chúng ta, cần lưu tâm rằng, nếu Tài xế có hành vi cố sát, thì không phải chỉ một mạng mà rất nhiều mạng đã về bên kia thế giới. Thậy vậy, Tài xế đã có nhiều điều kiện để hoàn thành tội phạm trước đó, nhưng tất cả mọi lần, Anh ta đều dừng lại và quay xe đi hướng khác – Điều đó cho thấy, Tài xế chỉ có ý hù dòa nhóm bên kia, nhằm bảo vệ các thành viên còn lại của nhóm mình. Cũng chính bởi thế, rất có khả năng, việc tông nạn nhân đến tử vong, là do Tài xế không kịp xử lý tình huống, mà không phải cố sát, vì Anh ta có thể làm được điều này trước đó nhiều lần…

Từ tất cả những phân tích, luận chứng ở trên về không gian, thời gian, bối cảnh, ánh sáng, tầm nhìn, cự lý, tốc độ và nhiều yếu tố khác có liên quan đến Vụ án – Thì việc khẳng định ngay rằng đó là hình vi giết người hay giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là có phần vội vàng. Ở đây – Bà con chúng ta không kết luận, không khẳng định và lựa chọn ngay tội danh cho Tài xế, mà Chúng ta chỉ muốn nhấn mạnh rằng, còn rất nhiểu ẩn khuất, nhiều điểm cần làm rõ trong vụ án này, và không thể đơn giản như các quan điểm đã nêu. Đó là chưa kể, cần lưu ý rằng đây không phải là một vụ đánh lộn, mà là nhóm của Tài xế đã bị hành hung và vẫn đang bị hành hung vào thời điểm tông nạn nhân, do đó đây có là trường hợp phát sinh quyền phòng vệ chính đáng hay không, giới hạn của phòng vệ chính đáng đến đâu, cũng là điều cần phải bàn luận thêm, để đi đến một kết luận pháp lý xác đáng về vụ việc.

Nhưng dù là gì đi nữa – Đây chính là Bài học đắt giá cho các Bên liên quan và cho cả Bà con chúng ta. Rất nhiều Vụ án mạng đã xảy ra xung quanh nhà hàng, quán nhậu những lúc về khuya, bởi xét dưới góc độ sinh học, đó là lúc sự minh mẫn, ý chí con người không được thông suốt nhất, đặc biệt khi đã có hơi men trong người. Cho nên tốt nhất là hạn chế ra ngoài vào ban đêm, sau 21 giờ thì nên ở nhà, trừ khi có công việc cần thiết mà không liên quan đến nhậu nhẹt, để phòng tránh những xui rủi. Chúng ta không thể nói tài và tự tin, là trong những bối cảnh nhất định, mình có thể nín nhịn để quyết định làm gì và không làm gì, nên tốt nhất như vậy, cứ phải chủ động phòng tránh trước cho lành, vui thôi đừng vui qua, thì cuộc đời sẽ bình yên……

Viết tại Sài Gòn, ngày 14/05/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan