TỪ VỤ VIỆC "CỨU GIÚP NGƯỜI BỊ TAI NẠN GIAO THÔNG NHƯNG LẠI BỊ GIA ĐÌNH NẠN NHÂN KIỆN OAN" TẠI QUẢNG NINH: LỰA CHỌN NÀO KHI RANH GIỚI GIỮA HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT LÀ KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI BỊ NẠN VÀ SỰ "LÀM ƠN MẮC OÁN/LÀM PHÚC PHẢI TỘI" - QUÁ MONG MANH!
Dẫn nhập: Hai vợ chồng người Vân Đồn (Quảng Ninh) khi đi qua đường đã cứu giúp một phụ nữ bị tai nạn giao thông đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ít ngày sau,
Hai vợ chồng này bị công an triệu tập vì chính Gia đình người bị nạn tố là người gây ra tai nạn. Vụ việc này có thể sớm được khép lại, khi một số Trang báo có thông tin rằng: Cơ quan chức năng huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết đã tìm thấy lái xe gây tai nạn giao thông trong vụ việc vừa nêu. Nhưng đâu có phải tình huống nào trên thực tế, cũng "may mắn" tìm ra nghi phạm nhanh như thế.....
Sau khi sự việc trên xảy ra, có không ít Bà con ta đã nêu quan điểm rằng, đã vậy thì thôi, từ nay ra đường cứ mặc kệ, cho dù có thấy tai nạn, hay như thế nào cũng ngó lơ đi?! Tuy nhiên, phải nói ngay rằng quan niệm "mặc kệ" đó, tự thân nó đã tạo ra rủi ro pháp lý - Thật vậy, hãy khoan nói đến phạm trù đạo đức, nhân ái, tình người, mà chỉ dưới góc độ pháp lý thôi, thì hành vi ngó lơ Người bị nạn, chính là hành vi trái pháp luật mà nhẹ là vi phạm hành chính, bị xử phạt hành chính, còn nặng thì có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh không cứu giúp Người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tất nhiên để bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố: Thấy Người khác đang bị nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp (Tức nếu thấy Người khác bị đuối nước, mà Bà con không biết bơi, không có điều kiện cứu giúp, thì cũng không bị dính tội - Ví dụ vậy), quan trọng nhất dẫn đến hệ quả Người đó vì không được cứu giúp kịp thời nên tử vong (Tội danh có cấu thành vật chất, đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra)...
Như vậy, bài toán đặt ra ở đây thật không đơn giản: Nếu ngó lơ, mặc kệ Người bị nạn, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự như vừa nêu - Còn nếu cứu giúp, thì đôi khi lại vướng vào cảnh làm ơn mắc oán, làm phúc phải tội, như những vụ việc Bà con ta đang nói đến. Tất nhiên, để bị tố oan thì rất dễ xảy ra, nhưng để bị kết luận/xử lý oan thì không đơn giản, vì để xác minh có phải là Người gây ra tai nạn hay không sẽ dựa trên nhiều chứng cứ, mà dễ hình dung nhất, muốn gây tai nạn thì phải có va quệt vào nhau, mà như thế sẽ để lại dấu vết..... Nhưng ngay cả là như vậy đi chăng nữa, để từ bị tố oan, cho đến khi được giải oan, là cả một quá trình "trầy da tróc vảy", ít nhất là sẽ bị triệu tập, sẽ phải đến Cơ quan chức năng tường trình, giải trình, thanh minh, biện hộ.....
Vậy cách tốt nhất là gì - Để không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức, lương tâm vì đã ngó lơ Người bị nạn, nhưng cũng không để mình rơi vào cảnh bị tố oan?! Có một số chuyên gia đưa ra khuyến nghị rằng: Nếu thấy vụ tai nạn trong một không gian, bối cảnh không có Người làm chứng thì tốt nhất là gọi điện báo cho cơ quan chức năng - Nhưng cách làm này đôi khi cũng có những tình huống khó xử, bởi chẳng nhẽ thấy Nạn nhân đau đớn, quằn quại, máu chảy ầm ầm, mà không băng bó, cầm máu, sơ cứu giúp Họ hay sao?! Có Chuyên gia còn khuyên nên lấy điện thoại ra quay video để làm bằng chứng, những thế thì có khi quay video xong, Nạn nhân mất nhiều máu, đã chết lâm sàn chưa biết chừng... Chính camera hành trình, trong nhiều tình huống, còn không thể làm chứng cứ, vì bị khuất tầm nhìn, thì huống chi việc quay nguội như thế.
Cho nên, có thể khẳng định rằng, đây là một tình huống, không có lời giải đáp hoàn hảo. Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau như thế - Đừng cố đưa ra một lời giải tuyệt đối, cho mọi thứ chỉ mang tính tương đối và không chắc chắn. Có nghĩa rằng, Bà con ta phải xác định tâm lý: Nếu không cứu giúp Người bị nạn sẽ là hành vi vi phạm pháp luật, là trái lương tâm, có thể bị chế tài pháp luật khi bị phát hiện là đã không cứu giúp Người bị nạn - Còn nếu cứu giúp Người bị nạn thì cũng phải xác định tâm lý, là có thể dính vào thị phi làm ơn mắc oán, nhất là trong những tình huống không có Người làm chứng, không có hoặc không thể vận dụng camera hành trình, camera khác. Cho nên, lựa chọn nào hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm, cũng như sự dũng cảm của Bà con ta. Chỉ xin nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, rất dễ bị tố oan, nhưng không dễ bị xử lý oan, vì quá trình điều tra minh bạch, sẽ cho ra chân tướng của sự thật, dù hành trình đó, đôi khi khá gian nan......
Tuy nhiên, nói đi thì cũng cần phải nói lại - Đó là đối với phía Nạn nhân, Gia đình Người bị nạn phải hết sức bình tĩnh, thận trọng, khi tố giác Người đã cứu giúp Nạn nhân. Bởi nếu tố sai: Dưới góc độ đạo đức, chính là lấy oán báo ân, còn dưới góc độ pháp lý, đó là vu khống, vu khống là hành vi trái pháp luật, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, còn nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở một khía cạnh khác, việc tố oan những trường hợp này, sẽ khiến cho nhiều Người khác lấy làm bài học, vì sợ phiền lụy mà đành ngó lơ Người bị nạn - Đây chính là mầm mống, là nguồn gốc sâu xa, góp phần tạo nên sự "vô cảm" giữa Người với Người - Một hệ lụy không nhỏ trong xã hội đương đại, khi con Người đang dần thờ ơ với nhau....
Viết tại Sài Gòn, ngày 18/07/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!