TỪ VỤ VIỆC PHỤ HUYNH BỊ LỪA ĐẢO BẰNG THỦ ĐOẠN "GỌI ĐIỆN THÔNG BÁO CON BỊ TÉ CẦN CHUYỂN TIỀN ĐỂ MỔ GẤP": NGHĨ VỀ PHƯƠNG CÁCH CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ BÍ MẬT THÔNG TIN CÁ NHÂN/GIA ĐÌNH!
Một chiêu thức lừa đảo khá "đơn giản", nhưng cực kỳ "hiệu quả" vì đánh vào tâm lý hoang mang lo lắng của các bậc Phụ huynh, đang được bọn tội phạm thực hiện, đó là: Gọi điện thông báo với Phụ huynh rằng, Con của Họ bị tai nạn, đang nằm cấp cứu ở bệnh viện, cần phải nộp tiền viện phí để mổ gấp, và đề nghị Phụ huynh phải chuyển tiền ngay vào tài khoản cá nhân nào đó do bọn chúng chỉ định.
Mặc dù là một chiêu thức "đơn giản", nhưng để có thể vận dụng được nó, thì những kẻ thực hiện hành vi phạm tội này, phải có đầy đủ thông tin chính xác liên quan về "Con mồi"(Nạn nhân) mà chúng đang nhắm đến. Đương nhiên phải thế! Vì nếu gọi điện cho một Người độc thân, để thông báo "Con họ" bị tai nạn, thì xem như trật lất; Hay như Phụ huynh có Con học ở Trường A, mà lại nói ở Trường B, cũng xem như hỏng.
Hay nói cách khác, trước khi tiếp cận "Con mồi", bọn tội phạm này đã phải thu thập, xác minh và có đầy đủ thông tin liên quan, đại loại: Số điện thoại của Phụ huynh, Phụ huynh có Con tên là gì và đang học ở trường nào, điều kiện kinh tế ra sao. Chỉ khi những thông tin này "khớp", thì việc lừa đảo của chúng mới có thể thực hiện được, bằng không, kế hoạch lừa đảo xem như "phá sản".
Vậy chúng đã có những thông tin vừa nêu bằng cách nào?! Trong vụ việc cụ thể này, dường như những thông tin bị thu thập, chỉ có thể được thực hiện bởi bằng 02 cách chính yếu: (i) Một là, xâm nhập vào dữ liệu thông tin của Trường học; Và (ii) Hai là, thu thập từ chính việc chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội một cách quá vô tư của Phụ huynh.
Thật vậy, khi Bạn đăng một bức hình Gia đình, để ở chế độ công khai Toàn cầu thay vì chế độ Bạn bè, bất kỳ Ai cũng thể biết Bạn độc thân hay đã kết hôn, Bạn có bao nhiêu đứa con, trai hay gái, khoảng bao nhiêu tuổi; Khi Bạn đăng một tấm ảnh khoe thành tích học tập của con để ở chế độ công khai Toàn cầu thay vì chế độ Bạn bè, bất kỳ Ai cũng thể biết con bạn đang học lớp mấy, học ở trường nào......
Như trên đã nêu, đối với chiêu thức mà bọn lừa đảo đang thực hiện, thì sự chính xác của thông tin, mang tính chất quyết định cho "thành bại" của phi vụ đó. Hay nói cách khác, chúng sẽ không đạt được mục đích, không thể thực hiện được hành vi phạm tội, nếu như không có thông tin hoặc thông tin không chính xác. Đây chính là cơ sở cho khẳng định rằng: Bảo mật được thông tin cũng chính là bảo vệ cho an toàn cá nhân và gia đình mỗi Người trước loại tội phạm về/liên quan đến thông tin (Không có thông tin, không làm được gì cả).
Có lẽ như, việc đi lên từ một nền nông nghiệp văn minh lúa nước, trong khi cuộc cách mạng công nghệ số cùng trí tuệ nhân tạo ập đến quá nhanh - Khiến cho Chúng ta chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ bí mật thông tin cá nhân. Cũng chính vì thế, Bà con chúng ta đã vô tư chia sẻ mọi thông tin của mình một cách vô tội vạ, mà không ý thức được rủi ro luôn rình rập từ việc chia sẻ đó, cho đến lúc hiện thực xảy ra. Trong khi từ lâu, dữ liệu cá nhân, đã trở thành một loại "siêu hàng hóa" có thể mua bán, đổi chác với lợi nhuận cực khủng, khiến cho những kẻ vi phạm pháp luật, không từ bất kỳ một thủ đoạn nào để tiến hành thu thập một cách bất hợp pháp.
Vậy cho nên, ngoài việc cần có cơ chế pháp lý hữu hiệu nhằm ràng buộc các bên có liên quan đang nắm giữ thông tin cá nhân cần phải có phương cách bảo vệ và chịu trách nhiệm, cũng như trước khi trông chờ được pháp luật bảo vệ - Thì Bà con chúng ta, cần phải nhận thực được tầm quan trọng của việc bảo vệ bí mật đời tư, bí mật gia đình, với các thông tin cá nhân quan trọng. Đó là cách phòng ngừa tối ưu nhất, trước các rủi ro có thể đến từ những hành vi vi phạm pháp luật. Bà con cần phải xác định rõ, cái gì nên chia sẻ, điều gì hạn chế chia sẻ, chia sẻ ở mức độ nào, và thứ gì tuyệt đối không thể sẻ chia.
Trong vụ việc trên, còn có nhiều khía cạnh khác, với nhiều vấn đề đáng bàn, ví dụ như Phụ huynh cần bình tĩnh kiểm chứng, xác minh thông tin khi nhận được cuộc gọi thông báo Con tai nạn, hay tránh hoang mang rối loạn tâm lý khiến dẽ bị lừa, đặc biệt cần lưu ý rằng, đối với trường hợp mổ cấp cứu trẻ em bị tai nạn, thì không có chuyện phải đóng viện phí ngay mới được mổ... Tuy nhiên, do trọng tâm Bài viết này, Tác giả chỉ bàn đến khía cạnh bảo mật thông tin đời tư. Vì vậy, những vấn đề vừa nêu, Tác giả sẽ phân tích chuyên sâu hơn trong một Bài viết khác, để Bà con tham khảo.
Viết tại Sài Gòn, ngày 09/3/2023 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!