VỀ VỤ ÁN “CHỦ TIỆM VÀNG BÁN RẺ TÀI SẢN CHO CON” TẠI CÀ MAU: NHẬN DIỆN GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU DO TRÁI ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI!

Dẫn nhập - Theo thông tin đăng tải trên Báo Pháp luật Tp.HCM, nội dung Vụ án có thể tóm lược lại, mô phỏng đại ý như sau: Ông A là Chủ một tiệm vàng tại Thành phố Cà Mau, có vay nợ của nhiều Người; Do Ông A không trả nợ, nên đã bị Người cho vay khởi kiện ra Tòa án để buộc Ông A phải trả nợ; Trong lúc vụ kiện đòi nợ đang diễn ra, thì vào năm 2018 Ông A đã bán lại Bến phà của mình cho Con gái là Cô B với giá rẻ hơn nhiều giá thị trường; Bến phà vừa nêu, cũng chính là tài sản còn lại cuối cùng của Ông A, nên sau khi bán cho Con gái, Ông A không còn tài sản nào để có thể trả nợ đã vay; Chính vì thế, những Người cho vay đã khởi kiện ra Tòa án, để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch mua bán Bến phà giữa Ông A và Cô B là vô hiệu, nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu, nghĩa rằng Bến phà vẫn là của Ông A, để từ đó có thể yêu cầu kê biên bán đấu giá thu hồi nợ; Xét xử sơ thẩm lần 1, Tòa án nhân dân Thành phố Cà Mau tuyên vô hiệu giao dịch mua bán Bến phà giữa Ông A và Cô B, với lý do giao dịch bị giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ (Theo quy định tại Điều 124.2 Bộ luật dân sự năm 2015), Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Cà Mau cùng quan điểm với Tòa; Xét xử phúc thẩm lần 1, Tòa án nhân dân Tỉnh Cà Mau cũng tuyên giao dịch vô hiệu như án sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Cà Mau cũng cùng quan điểm với Tòa; Tuy nhiên sau đó, Viện kiểm sát Cấp cao tại Tp.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, và Tòa án Cấp cao tại Tp.HCM đã chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, tuyên hủy án với lý do “tài sản không bị ngăn chuyển dịch thì được chuyển dịch”, có nghĩa rằng Viện và Tòa Cấp cao tại Tp.HCM yêu cầu xét xử lại theo hướng giao dịch mua bán Bến phà giữa Ông A và Cô B là không vô hiệu; Mặc dù vậy, khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm lại lần 2, Các cấp Tòa/Viện tại Cà Mau vẫn bảo lưu quan điểm như lần thứ nhất, vẫn tuyên giao dịch vô hiệu, tức không theo hướng như đề nghị của Viện và Tòa Cấp cao tại Tp.HCM; Chính bởi thế, hiện tại Viện kiểm sát Cấp cao tại Tp.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm lần 2 theo hướng kháng nghị như lần 1, yêu cầu hủy án, và công nhận giao dịch không vô hiệu; Chưa biết sắp tới đây, trong phiên Tòa giám đốc thẩm lần 2, Tòa án Cấp cao tại Tp.HCM, sẽ giải quyết Vụ án như thế nào? (Hết dẫn nhập)!

Đầu tiên - Tác giả có sự cảm phục nhất định giành cho các Cấp Tòa/Viện tại Cà Mau, bởi thực tiễn tố tụng, không phải Tòa/Viện cấp dưới nào, cũng có đủ bản lĩnh nghề nghiệp lẫn chuyên môn để bảo vệ quan điểm của mình, trái ngược với quan điểm của Tòa/Viện cấp trên như vậy. Vậy nên - Bất kể kết quả cuối cùng của Vụ án này như thế nào, bất kể thực chất nội dung của Vụ án đó ra sao, thì việc các Tòa/Viện cấp dưới, dám bảo lưu quan điểm của mình, là một tín hiệu đáng mừng, về sự độc lập khi xét xử, về sự phát triển của ngành tư pháp.

Tiếp nữa - Đi vào nội dung Vụ án, cần khẳng định luôn rằng, Tác giả đồng ý với quyết định của Viện kiểm sát/Tòa án nhân dân Thành phố/Tỉnh Cà Mau. Đó là cần phải tuyên bố giao dịch mua bán Bến phà giữa Ông A và Cô B là vô hiệu, chứ không thể nào công nhận hiệu lực của giao dịch này như quan điểm của của Viện kiểm sát/Tòa án nhân dân Cấp cao tại Tp.HCM. Mặc dù vậy, theo Tác giả, căn cứ để tuyên vô hiệu giao dịch, không phải là vì giao dịch bị xác lập giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 124.2 Bộ luật dân sự năm 2015 – Mà phải vì lý do giao dịch trái đạo đức xã hội theo quy định tại Điều 3 và Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015.

Thật vậy, việc chứng minh giao dịch mua bán Bến phà giữa Ông A và Cô B là vô hiệu do giả tạo trong trường hợp này không đơn giản. Bởi phải làm rõ được 2 yếu tố: (i) Một là, việc mua ban chỉ là làm “giả vờ”, chứ thật sự không hề có việc mua bán; Và (ii) Hai là, việc mua bán nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Việc chứng minh yếu tố thứ hai, tức nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ không khó, nhưng chứng minh yếu tố thứ nhất vô cùng gian nan. Bởi làm thế nào để chứng minh Cha con họ chỉ giả mua bán chứ không hề mua bán thật, khi mà có lập hợp đồng mua bán, có đăng ký sang tên, có chuyển giao bến phà, có chuyển giao tiền. Và trong thực tế, có nhiều Người thà để lại tài sản cho Con mình, còn hơn là phải trả nợ cho Người ngoài, nên việc sang tên này là thật sự trong nhiều trường hợp. Do đó, nếu nói giao dịch này giả tạo, chỉ là mang tính suy đoán của niềm tin nội tâm, không dựa trên chứng cứ, dù niềm tin nội tâm này chưa hẳn là không có cơ sở.

Cũng chính vì không dựa trên chứng cứ pháp lý hữu hiệu, nên việc tuyên vô hiệu giao dịch giả tạo, rất dễ bị phản bác theo kiểu “Cưỡng từ đoạt lý”, tức là dựa trên sự máy móc câu chữ của quy phạm pháp luật như vừa nêu. Và thực tế đã chứng minh điều đó, Viện kiểm sát đã kháng nghị giám đốc thầm lần 1 và lần 2, còn Tòa án nhân dân Cấp cao tại Tp.HCM đã chấp nhận kháng nghị lần 1, tuyên hủy các bản án của các Cấp Tòa án tại Cà Mau, với lý luận “tài sản không bị ngăn chuyển dịch thì được chuyển dịch”, nghĩa rằng, việc khẳng định giao dịch vô hiệu do giả tạo của các Cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới là không có cơ sở.

Đến đây - Chúng ta cần phải quay lại điểm mấu chốt của Vụ án này: Ông A không muốn trả nợ, trong khi đang bị kiện đòi nợ, nên Ông A đã bán rẻ lại tài sản của mình cho Con gái. Không cần phải có chuyên môn luật cao siêu gì cả - Bà con chúng ta, với tư cách là những Con Người bình thường, có lương tâm, phẩm hạnh, danh dự, cùng tự trả lời với nhau câu hỏi rằng: Cách làm của Ông A và Con gái, có đúng với đạo làm Người không? Nếu câu trả lời là đúng, nghĩa rằng, Chúng ta thừa nhận một xã hội, mà đạo làm Người chính là Con Người ta có vay nhưng không cần trả, dù có tài sản để trả (Khác với việc gặp tai ương, hoạn nạn, không còn khả năng trả), muốn chiếm của Người khác thành của riêng mình, là biến cái không phải của mình thành của mình, là một xã hội mà sự lưu manh bội tín, được thừa nhận là hợp pháp. Chính vì thế - Mà có lẽ, không ai lại cho rằng Cách làm của Ông A và con gái là đúng – Nghĩa rằng đây là cách làm sai, trái đạo đức xã hội, vô lương tâm, của những kẻ muốn vay không trả, sẵn sàng bội tín, chỉ nghĩ đến cái lợi của mình.

Điều 3.2 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự: “Mọi cam kết, thỏa thuận…. không trái đạo đức xã hội…. phải được chủ thể khác tôn trọng”. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những thỏa thuận trái đạo đức xã hội, thì không xứng đáng được tôn trọng, các Chủ thể khác không có nghĩa vụ phải tôn trọng giao dịch đó. Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015, đã cụ thể hóa nguyên tắc vừa nêu bằng quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Và Bộ luật dân sự năm 2015, cũng không quên giải thích rằng: “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”!

Rất rõ ràng, có vay thì phải trả, đó không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là đạo đức, là danh dự, là chuẩn mực ứng xử, trừ khi gặp phải biến cố, xủi rủi, mất hoàn toàn khả năng trả nợ. Còn có tài sản, không muốn trả, nên bán rẻ lại tài sản cho Con, đó chính là hành xử trái ngược với chuẩn mực chung của xã hội, thể hiện sự lưu manh, bội tín, muốn cướp không của Người khác. Chính vì vậy, giao dịch bán tài sản trong trường hợp này, cần phải tuyên vô hiệu, với lý do trái đạo đức xã hội, khi thiết lập giao dịch nhằm “xù nợ”. Cũng cần phải nói thêm rằng, có những giao dịch mà người mua ngay tình, ví dụ như trong Vụ án trên, nếu Người mua không phải là Con gái Ông A, nên không hề biết chuyện Ông A đang bị kiện tụng nợ nần, không biết chuyện Ông A vì không muốn trả nợ nên mới bán lại tài sản, thì cần xem xét để bảo vệ Người mua ngay tình trong trường hợp này, vì dẫu sao đó cũng là tiền mồ hôi nước mắt của Người mua, Họ không biết nên không thể buộc Họ chịu trách nhiệm. Nhưng ở đây, Người mua là con gái Ông A, lại mua với giá rẻ, khó để nói Cô B ngay tình trong trường hợp này.

Tất nhiên, trong vụ án trên, có một điều mà những Người cho Ông A vay tiền cũng mắc phải thiếu sót về mặt tố tụng, đáng ra khi khởi kiện vụ án, thì cần yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm chuyển dịch về tài sản đối với Bến phà này. Mặc dù vào thời điểm đó, Bến phà đã bị Chi cục thi hành án dân sự kê biên trong một vụ án khác, nhưng không có quy định nào cấm việc Các Bên được đề xuất thêm trong vụ án này, với tính cách là một biện pháp dự phòng. Tức là Tòa án sẽ có Văn bản (Dựa trên yêu cầu của Đương sự) gửi cho Thi hành án dân sự, với nội dung là trường hợp dỡ bỏ kê biên phong tỏa trong một vụ việc khác, thì phải báo ngay cho Tòa, để ngay lập tức, tòa ra quyết định áp dụng ngăn chặn trong vụ án này. Nếu là được vậy, thì đã không có rắc rối ngày hôm nay – Tất nhiên, án dân sự, Tòa án chỉ xem xét giải quyết khi có yêu cầu của Đương sự, mà Tòa hiếm khi tự mình làm những thủ tục như vậy, nên Đương sự buộc phải biết để vận dụng. Còn khi Đương sự đã yêu cầu, nếu Tòa không áp dụng, sau này xảy ra thiệt hại gì, Tòa có thể phải chịu trách nhiệm.

Nói tóm lại – Trong vụ án nêu trên, việc tuyên vô hiệu giao dịch là đúng, không chỉ hợp lý, mà đó còn là lẽ công bằng, là công lý – Cho nên đó phải là hệ quả pháp lý, là đích đến cuối cùng trong vụ án này. Bằng không, vô tình hoặc cố ý, Ai đó đang tiếp tay cho những kẻ có lối sống ích kỷ, chỉ biết mình không biết Người, chỉ muốn nhận không muốn trả, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, danh dự, uy tín để trục lợi. Tất nhiên, như đã nói, căn cứ pháp lý để tuyên vô hiệu, cần phải xem xét lại, mà không nên dựa trên căn cứ như các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã nêu, vì đưa ra những căn cứ như vậy, là đang tự làm khó mình, bởi việc chứng minh rất nan giải. Ngoài ra, có thể nói rằng, quá trình giải quyết một Vụ án, liên quan đến rất nhiều trình tự/thủ tục, tố tụng, mà không chỉ có nội dung tranh chấp. Việc vận dụng trình tự đó khá phức tạp, không hề đơn giản - Nên cần phải thực sự am hiểu và có trải nghiệm thực tế, mới có thể vận dụng những quy định pháp lý một cách hiệu quả. Với vụ án nêu trên, khi đi theo hướng, giao dịch vô hiệu do trái đạo đức xã hội, những Người có quan điểm khác, sẽ phải đối diện một câu hỏi lớn: Vậy vay tiền, không muốn trả, nên bán rẻ tài sản cho Con, nhằm xù nợ là đúng đạo đức xã hội? Khoa học tranh tụng gọi đó là "Câu hỏi có tính phán quyết"!

Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan