VỤ VIỆC “THỔI GIÁ’’ THIẾT BỊ Y TẾ TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI: PHÂN BIỆT THỎA THUẬN GIÁ CẢ MUA BÁN VÀ ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG HỢP TÁC KINH DOANH!

Những ngày qua – Truyền thông đưa tin nhiều về Vụ việc “Thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, cụ thể là việc Công ty cung cấp thiết bị y tế, chỉ mua thiết bị y tế với giá đâu đó khoảng 8 tỷ đồng, nhưng khi vào đến Bệnh viện Bạch Mai, thì những thiết bị này lại có giá đến 39 tỷ đồng.

Do chi phí thiết bị y tế cao, dẫn đến việc thu phí của Bệnh nhân cao gấp 3 đến 4 lần, điều này đã dẫn đến: (i) Sự phẫn nộ của Dư luận, bởi hành vi nhẫn tâm “ăn khống’’ cả tiền của Bệnh nhân; (ii) Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều Người buôn bán lo lắng, vì Họ nghĩ thuận mua vừa bán, Công ty bán giá đắt, nhưng Bệnh viện vẫn mua thì Công ty không sai, vậy tại sao lại bị vướng luật?!

Có thể nói rằng, việc Báo chí thông tin chưa đầy đủ, cùng với nội dung Vụ việc này, có nhiều yếu tố chuyên môn pháp lý, dẫn đến nhiều Bà con ta chưa được hiểu đầy đủ vấn đề, thậm chí là hiểu nhầm. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, Tác giả sẽ phân tích một số vấn đề pháp lý có liên quan - Để Bà con ta có thể nắm được những vấn đề cơ bản về Vụ việc.

I. TỰ DO THỎA THUẬN GIÁ CẢ MUA BÁN – VÀ NGOẠI LỆ

Mua bán tài sản nói chung, mua bán hàng hóa nói riêng, là giao dịch dân sự, nên dựa trên nguyên tắc nền tảng chung của pháp luật trong lĩnh vực dân sự: Tự do thỏa thuận những gì mà Luật không cấm, bao gồm cả vấn đề giá cả.

Ví dụ 1: Ông A có một Con gà trống, giá thị trường của nó vào khoảng 200 nghìn đồng. Tuy nhiên, Ông A hét giá bán 1 tỷ đồng – Tức là cao gấp 5.000 lần. Ông B thích chơi ngông, vẫn bỏ 1 tỷ ra mua. Việc mua bán này là hợp pháp, không có gì phải lăn tăn.

Ví dụ 2: Công ty A, nhập khẩu một chiếc xe hơi, tổng chi phí để chiếc xe có thể lăn bánh (Giá lăn bánh: Bao gồm mọi thuế, phí) vào đâu đó khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng Công ty A bán chiếc xe này với giá 50 tỷ, Công ty B trả giá 48 tỷ, Công ty C trả giá 45 tỷ. Công ty A có quyền bán cho Công ty C 45 tỷ, không thèm bán cho Công ty B 48 tỷ. Việc mua bán này là hợp pháp. Không có gì phải lăn tăn.

Như vậy, về nguyên tắc – Các bên có quyền tự do thỏa thuận mua bán, bao gồm cả vấn đề giá cả. Điều đó, hoàn toàn tùy thuộc vào các bên, không ai có quyền can thiệp. Tất nhiên, nếu bán đắt quá, thì chẳng ai mua, và buộc phải giảm giá theo quy luật cung cầu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc thỏa thuận giá cả của các bên, bị hạn chế bởi luật, đây là những ngoại lệ do luật định – Bao gồm những trường hợp sau:

1. Giá bán do Nhà nước ấn định hoặc bình ổn giá

Ví dụ như Xăng, điện ….. là các mặt hàng do Nhà nước bình ổn giá, nên các Đơn vị kinh doanh phải tuân theo giá bình ổn này, mà không được bán với giá khác.

2. Giá bán trong những thời điểm nhất định

Ví dụ trong thời gian bị dịch bệnh, việc lợi dụng tình hình này, để đẩy giá những mặt hàng cần thiết lên cao bất thường là trái luật – Như trường hợp tăng giá khẩu trang thời điểm dịch Covid.

3. Bán hàng hóa thông qua phương thức luật định

Ví dụ 3: Công ty A, nhập khẩu một chiếc xe hơi, tổng chi phí để chiếc xe có thể lăn bánh (Giá lăn bánh: Bao gồm mọi thuế, phí) vào đâu đó khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng Công ty A bán chiếc xe này với giá 50 tỷ, Công ty B trả giá 48 tỷ, Công ty C trả giá 45 tỷ. Công ty A có quyền bán cho Công ty C 45 tỷ, không thèm bán cho Công ty B 48 tỷ. Việc mua bán này là hợp pháp! Tuy nhiên, nếu Công ty A lựa chọn hình thức bán chiếc xe này, theo phương thức Bán đấu giá lên (Theo Luật đấu giá), tức Ai trả giá cao nhất là được mua sản phẩm, thì lúc này, Công ty A không được quyền chọn thích Ai thì bán nữa, mà phải bán cho Người trả giá cao nhất.

Ví dụ 4: Bệnh viện B, muốn mua một lô thuốc, hoặc một lô thiết bị y tế. Nếu Bệnh viện B chọn mua theo hình thức thông thường, tức là tự tìm kiếm đối tác, xem chổ nào hợp lý thì mua; Lúc đó Bệnh viện B muốn mua của Ai thì mua. Còn nếu, Bệnh viện B quyết định mua theo hình thức tổ chức đấu thầu (Theo Luật đấu thầu), thì lúc này Bệnh viện B không được quyền chọn thích Ai thì mua nữa, mà phải mua của Nhà cung cấp nào có giá thấp nhất trong cùng chất lượng và điều kiện với Nhà thầu khác.

Nói tóm lại, mặc dù trên nguyên tắc tự do giao dịch dân sự, tự do thỏa thuận về giá cả, nhưng vẫn có những ngoại lệ như đã nêu trên. Ngoài ra còn có một vài quy định khác như Doanh nghiệp không được bán hàng hóa dưới giá thành sản phẩm nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh……

II. ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN TRONG GÓP VỐN HOẶC HỢP TÁC KINH DOANH

Vụ việc “Thổi giá” thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai thì lại lằng nhằng hơn một chút. Thể hiện ở chổ là Bệnh viện Bạch Mai, không hề mua đoạn bán đứt theo kiểu tiền trao cháo múc cả nồi. Nếu lúc đầu, mua đoạn bán đứt, thì sẽ áp dụng theo ví dụ 4 nêu trên, tức là: Bệnh viện Bạch Mai tự tìm kiếm đối tác rồi mua, nếu mua đắt thì xem như bị hố, phải chịu. Nếu mua thông qua đấu thầu, thì Ai bán rẻ nhất, cùng chất lượng thì mua, lúc đó kể cả Nhà thầu bán rẻ nhất, cũng cao gấp 5 lần giá thành sản phẩm, thì cũng không bị xem là trái luật. Vì đơn giản, các Nhà thầu có quyền ra giá, và nếu Ông nào cũng bán đắt, nghĩa rằng, chọn Ông rẻ nhất, cũng rất đắt rồi, thì về mặt pháp lý, cũng không sai phạm gì cả.

Tuy nhiên, cách làm của Công ty cung cấp thiết bị y tế và Bệnh viện Bạch Mai trong trường hợp này, không phải là ký Hợp đồng mua bán thiết bị y tế, mà lại theo hình thức hợp tác kinh doanh. Nghĩa rằng hai bên cùng cộng tác, Công ty cung cấp thiết bị y tế thì bỏ ra tiền mua thiết bị y tế đưa cho Bệnh viện Bạch Mai sử dụng, còn Bệnh viện thì dùng các thiết bị y tế này, để phục vụ hoạt động khám chữa bệnh, lợi nhuận có được, thì chia đôi. Bà con hiểu nôm na, như Ông A có đất, rồi giao cho Ông B này được sử dụng, Ông B dùng thửa đất này làm trại chăn nuôi, sau đó lợi nhuận thì chia nhau. Chứ Ông B không thuê đất của Ông A.

Theo đó, sai phạm sẽ bắt đầu từ điểm này: Về nguyên tắc, khi góp vốn để thành lập doanh nghiệp, hay hợp tác kinh doanh, thì phải dịnh giá tài sản góp vốn hoặc hợp tác, chứ không phải như buôn bán, muốn giá nào cũng được?!

Vì sao vậy, vì việc thỏa thuận góp vốn hay hợp tác của các Bên sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Bên thứ ba, mà cụ thể trong trường hợp này, do việc thu viện phí của Bệnh nhân, phụ thuộc vào giá của thiết bị y tế, nên các Bên phải định giá chuẩn thiết bị này, với sai số nhất định vừa phải. Đây chính là cốt lõi vấn đề, vì sao có sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, mà nhiều Người không thể lý giải. Bởi bản chất, không phải các bên đang mua bán, mà là đang hợp tác kinh doanh, mà như vậy, phải định giá tài sản. Và việc định giá từ 8 tỷ thành 39 tỷ đương nhiên là sai!

Mở rộng vấn đề: Không chỉ trong lĩnh vực y tế. Mà mọi trường hợp góp vốn đều hiểu như vậy. Như trên đã ví dụ: Nếu Ông A có chiếc xe, Ông A có quyền bán cho Ông B với giá gấp 1000 lần giá trị thật, tức mua 1 tỷ bán 1000 tỷ không sao.

Tuy nhiên nếu Ông A và Ông B cùng góp vốn thành lập Công ty, theo đó Ông B góp tiền mặt 5 tỷ, Ông A góp vốn bằng chiếc xe, thì lúc này, phải định giá chiếc xe và chuyển quyền sở hữu chiếc xe từ tên Ông A, sang tên Công ty, và việc định giá phải phù hợp, không phải muốn định thế nào cũng được. Nếu định giá sai, thì phải chịu trách nhiệm cá nhân với việc định giá đó.

Nói tóm lại, các quan hệ pháp luật khác nhau, sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau, bởi bị điều chỉnh từ các quy định pháp lý khác nhau. Và chỉ khi Bà con ta, xác định đúng bản chất pháp lý của vấn đề cụ thể, thì mới có thể luận giải được trọng tâm Vụ việc!

Viết tại sài Gòn, ngày 06/09/2020 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan