TỪ TRANH CÃI XUNG QUANH CÂU CHUYỆN TỪ THIỆN CỦA HOÀI LINH: BÀN VỀ LUẬN CHỨNG VÀ PHẢN CHỨNG TRONG KHOA HỌC PHÁP LÝ!

Trước những ồn ào, những bức xúc liên quan đến việc "ngâm tiền từ thiện" - Hoài Linh đã nhanh chóng giải ngân số tiền này một cách rất chóng vánh! Tưởng như thế, mọi thứ sẽ được lắng xuống, ngưng đọng lại. Nhưng không - Những tranh cãi xung quanh câu chuyện này, vẫn chưa đến hồi kết, thậm chí có phần căng thẳng hơn trước đó. Tất nhiên, đã nói đến tranh cãi - Thì đương nhiên phải có nhiều luồng quan điểm khác nhau, mỗi Người có những chính kiến riêng của mình.

Tuy nhiên, khi quan sát tranh luận, hay nói chính xác là cãi nhau này - Nếu để ý, Chúng ta thấy rằng, có nhiều Người, trong đó bao gồm cả những Người có "Chuyên ngành" pháp lý, khi đưa ra ý kiến và bảo vệ ý kiến của mình, thường chỉ thể hiện một sự phỏng đoán, cảm tính, mà không có giá trị về mặt pháp lý (Vì đây là Fanpage về pháp lý, nên Chúng ta sẽ chỉ bàn về phương diện này)! Vì vậy, khi cứ mãi cuốn theo những lập luận theo kiểu như thế, sẽ giống như đưa nhau vào rừng rậm, mà chẳng biết bao giờ có lối ra - Đó là điều không thể chấp nhận trong những tranh luận pháp lý, khi đòi hỏi phải chốt được vấn đề. Và để Bà con có thể hiểu thêm hơn - Trong Bài viết này, Tác giả sẽ cùng Bà con viện dẫn một vài ý kiến, đánh giá ý kiến đó, để làm rõ hơn vấn đề.

Khác với những vấn đề xã hội - Những vấn đề pháp lý, buộc phải rõ ràng: Đã là sai, thì không thể đúng, tức là không thể nói theo kiểu nước đôi, rằng thì thế này, nhưng tại vì thế khác, không tự mâu thuẫn như vậy. Khi xét một yếu tố hành vi, trong mối quan hệ với những hành vi khác, cần phải trả lời từng bước một: Hành vi đó có sai phạm, có cấu thành tội phạm hay không?! Rồi sau đó, mới xét đến tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng. Mà không thể trộn lẫn, nhào nặn, rồi nói cùng một lúc - Như thế chẳng khác nào, Luật sư ra tòa, khẳng định là thân chủ vô tội, nhưng sau đó lại lấy huân huy chương ra để xin giảm nhẹ hình phạt - Đó là một sự tự thân mâu thuẫn không gì đỡ được, vì chỉ khi có tội, mới cần phải giảm nhẹ hình phạt!!! Sau đây, sẽ là những minh chứng cụ thể cho vụ việc mà Bà con ta đang bàn đến:

1. Có Bạn lập luận: "Tôi tin Hoài Linh không phải là Người xấu, ăn chặn tiền từ thiện đâu......"! Đây là lập luận đầy cảm tính, không có giá trị pháp lý, bởi cách lập luận đó thì cũng giống như kiểu khẳng định: "Đồng hồ Thụy Sĩ không bao giờ sai", "Điện thoại Sam Sung không bao giờ lỗi"! Đương nhiên cách lập luận này rất dễ bị phản chứng - Vì nó chẳng dựa trên chứng cứ nào cả, nên không có giá trị chứng minh!

2. Một ý kiến khác: "Dù sao Hoài Linh cũng đã giải ngân rồi, đòi hỏi gì nữa"! Hoài Linh giải ngân bằng cách chuyển tiền cho các Cơ quan tổ chức khác - Nếu biết làm theo cách như vậy, thì ngay từ đầu, Bà con đã chuyển tiền hẳn cho các Cơ quan, Tổ chức đó rồi! Cần gì phải thông qua Hoài Linh. Chính vì những lý do chủ quan và khách quan (Khó nói), Bà con mới chuyển tiền cho Hoài Linh, ngôn ngữ pháp lý, gọi là sự tín thác, tức là vì uy tín và niềm tin, mà Bà con giành cho Hoài Linh, nên mới chuyển tiền, để ủy thác cho Hoài Linh trực tiếp làm từ thiện giúp Bà con. Nhưng rút cuộc - Hoài Linh đã không làm theo cách đã hứa, cách mà Bà con nghĩ rằng Hoài Linh sẽ làm trực tiếp - Thay vào đó, Hoài Linh lại thông qua những Tổ chức trung gian khác, cho nên đó chính là sự bội tín: Nói một đằng, làm một nẻo!

3. Một lập luận đầy tính thách thức khác: "Hoài Linh đã làm xong, đã xin lỗi, vậy còn muốn phải làm sao nữa"! Đây là lập luận cùn, mang tính ăn vạ - Thực tế là Hoài Linh đã không làm gì, đã "ngâm" lại, thì mới khiến Công chúng phẫn nộ như vậy, lúc mưa lụt triều cường, ngặt ngèo khó khăn, tết nhất lạnh giá...... Nhân dân Miền trung đang cần sự trợ giúp ngay lập tức - Thì hành động của Hoài Linh là không hành động, là "im ỉm" đi! Cho nên chính khi Hoài Linh cần thực hiện nghĩa vụ của mình, là thực hiện công việc có ủy quyền, mà Anh ta đã nhận, nhưng Anh ta không làm, thì đó đã là một sự vi phạm nghĩa vụ, theo đó cần phải chịu trách nhiệm! Còn việc Hoài Linh sau khi mọi chuyện bung bét, mới tiến hành giải ngân, nhưng lại làm theo một cách khác, như đã nói ở trên, nhưng Anh ta lại tự ý làm, mà không hề hỏi lại ý kiến của Bà con đã chuyển tiền - Đó hành vi lạm quyền, vượt quá phạm vi được ủy thác ban đầu, nói nôm na, gọi là tự ý hành động. Đúng ra, Hoài Linh phải đăng đàn xin lỗi Bà con trước, đồng thời hỏi ý kiến Bà con rằng: Giờ Linh muốn giải ngân theo cách này, cách khác được không?! Đằng này, Hoài Linh lại làm ngược: Tiền trảm hậu tấu?! Giải ngân xong rồi, mới lên chốt hạ lại, cho nên lập luận trên nó giống kiểu: "Đấy, Anh Linh làm xong rồi nha, im lặng được chưa, nói gì nữa"! Đó không chỉ là một thái độ vô cảm, vô trách, mà còn thể hiện sự hống hách, coi thường Công chúng.

4. Và những ý kiến cảm tính: "Hoài Linh là thần tượng của Tôi, dù Ai nói gì, cũng yêu....."! Không riêng gì Hoài Linh - Nói về những vụ việc khác một chút: Nhiều vụ án, kẻ phạm tội thực sự đáng thương, tội nghiệp, đôi khi cả Hội đồng xét xử cũng phải rơi lệ, nhưng dựa trên những yếu tố cấu thành tội phạm, thì vẫn phải áp dụng chế tài đối với hung thủ! Bởi nếu vì đồng cảm với nỗi khổ của phạm nhân, mà để phạm nhân tiêu diêu ngoài vòng pháp luật, thì pháp luật còn sinh ra để làm gì. Việc yêu mến, quý trọng ai đó là cảm xúc cá nhân. Nhưng trước pháp luật, luôn phải khách quan công bằng! Sẽ thật vô lý, nếu cũng hành vi như vậy, nhưng với người này được cảm thông, người kia bị trừng phạt, chỉ vì quý mến này kia, thì nguyên tắc công bình của luật pháp, chẳng khác gì tấn trò hề. Chính những người có chuyên ngành pháp lý, còn không hiểu, còn đưa ra những lập luận đầy cảm tính như vậy, thử hỏi những Người khác còn biết nói thế nào!

5. Cuối cùng, có những ý kiến mang tính xuề xòa, hòa cả làng: "Đấy! Xin lỗi rồi, chuyển tiền rồi, không lẽ phải để Hoài Linh bị gì nữa mới chịu"! Nghiên cứu về các chế tài của luật pháp - Chúng ta phải hiểu một điều rằng, ngoài việc có mục đích là trực tiếp trừng phạt người có hành vi vi phạm, thì chế tài luật pháp còn có chức năng giáo dục cộng đồng, cảnh tỉnh chung cho mọi người, mà Ông bà ta hay nói là làm gương. Cho nên, việc hôm nay, Công chúng có đòi hỏi phải làm rõ vấn đề của Hoài Linh, cũng là để cho những Người sau lấy đó làm bài học, rằng phải có trách nhiệm và tận tâm, khi đã nhận sự tín thác của Bà con. Không ai yêu cầu hay đề nghị Anh phải làm, nên Anh có quyền từ chối và không làm. Nhưng một khi Anh đã nhận làm, thì cần phải nghiêm túc thực hiện đúng những cam kết của mình! Cũng bởi thế, trong ngôn ngữ mới có khái niệm: Án lệ, tiền lệ....... Ai bảo đảm rằng, nếu hôm nay đây, mọi thứ quá dễ dàng với Hoài Linh - Thì tương lai, không còn những câu chuyện như thế tiếp diễn. Cho nên, sự am hiểu về luật pháp, phải dựa trên một bình diện rộng, đặc biệt là phải dựa trên nền tảng triết học pháp lý, thì mới có thể tránh những luận chứng phiến diện, cảm tính!

------

Cũng như bao câu chuyện khác, câu chuyện của Hoài Linh rồi sẽ đến hồi kết, sẽ chìm sâu vào quên lãng, bởi thời gian và những câu chuyện mới nóng sốt hơn. Nhưng hậu quả của nó để lại trong lòng Công chúng sẽ rất nặng nề, khó có thể gột phai trong nay mai! Rõ ràng, đây không phải là một câu chuyện của làng giải trí. Mà nó là một câu chuyện về pháp lý, thậm chí hơn thế, đã vượt qua những vụ việc đơn thuần, tạo ra một triết lý về đạo đức và luật pháp! Bà con ta mặc dù đang trải qua một trận đại dịch, là một biến cố của nhân loại với bao khó khăn. Nhưng khi Miền trung ruột thịt bị bão lũ, Bà con ta vẫn sẵn sàng gom góp, để mong san sẽ lúc ngặt nghèo với Nhân dân miền trung - Cảm động lắm thay, trước tình thương của đồng bào! Tất cả tình thương đó, được gửi gắm vào Hoài Linh bằng một sự tín thác vô điều kiện - Nhưng Anh ấy đã làm gì?! Cho dù không bị chế tài của Luật pháp, và Tác giả cũng tin rằng, rất khó để có thêm chế tài nào của Luật pháp: Thì Hoài Linh cũng sẽ nhận được những "Bản án" khác còn đau khổ và nặng nề hơn! Và những Ai yêu mến Hoài Linh - Nên thấy cần phải bảo vệ Anh như thế nào, thay vì đưa ra những luận chứng rất dễ bị phản chứng như trên. Vĩ nhân nào cũng từng có quá khứ - Tội đồ nào cũng cần có tương lai: Nhiều năm nữa qua đi, thì những ngày tháng hiện tại đây, đã là quá khứ! Cho nên tương lai, Hoài Linh cũng có thể trở thành vĩ nhân, dù có quá khứ hôm nay - Vì vậy, cách tốt nhất là phải có những hành động thiết thực để xây dựng lại hình tượng trong tương lai, chứ không phải cố gắng chống chế, bật bãi những phản biện hôm nay.

Viết tại Sài Gòn, ngày 10/06/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan