KHI “DI SẢN” NGƯỜI ĐÃ KHUẤT ĐỂ LẠI LÀ MỘT “CHIẾN TRƯỜNG VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ”: KẾT CỤC SẼ LUÔN LÀ MẤT MÁT!
Việc một Nghệ sĩ vừa qua đời vài ngày, ngay lập tức Người thân của Họ dính vào những tố cáo, tranh chấp lẫn nhau liên quan đến việc thừa hưởng di sản, thậm chí là tranh chấp cả tiền phúng điếu, lẫn việc tổ chức tang lễ - Như là một bức tranh tả thực “sống động” phản ánh một hiện thực xã hội không hiếm, nếu không muốn nói là khá phổ biến của rất nhiều hoàn cảnh gia đình tương tự đã, đang và sẽ xảy ra - Nếu như Người chết, vẫn còn "bỏ quên nghĩa vụ của mình" khi còn sống.
Dưới góc độ pháp luật, di sản chỉ bao gồm tài sản mà Người chết để lại, tức chỉ bao gồm của cải vật chất. Nhưng dưới góc độ xã hội, “di sản” mà Người chết để lại, còn chính là một chiến trường đầy khốc liệt về tranh chấp thừa kế giữa những Người thân của Người này, bao gồm cả những việc đấu tố, đánh chửi lẫn nhau – Nếu như khi còn sống, Người này đã không đưa ra được một giải đáp hoàn chỉnh, cho những thực cảnh sẽ diễn ra, sau ngày Họ tạ thế.
Tất nhiên, trừ những cái chết trẻ đột ngột do tai nạn, bệnh lý bất thường – Còn khi đã đến một độ tuổi nhất định nào đó, nhất là khi đang còn khỏe mạnh, minh mẫn, Con Người ta cần phải sớm đưa ra lời giải để “phòng hờ” những sự cố bất ngờ về sinh mệnh. Có 03 vấn đề lớn trọng tâm, cần phải giải quyết: (i)Tang lễ sẽ được tổ chức thế nào (Nhận hay không nhận tiền phúng điếu, tiền phúng điếu đã nhận dùng vào việc gì, do ai quản lý? Chôn cất ở đâu?...); (ii) Ai sẽ là Người đảm nhận việc thờ tự (Thờ tự ở đâu? Cúng giỗ hàng năm ra sao?...); (iii) Việc phân chia di sản (Tài sản nào thuộc về ai? Chừng nào tiến hành phân chia….). Thường khi lập di chúc tại Văn phòng công chứng, các bản di chúc chỉ tập trung vào vấn đề (iii), nên thực tế vẫn xảy ra tranh chấp với những vấn đề còn lại. Nhưng dẫu sao, việc giải quyết được, dù mỗi vấn đề (iii), cũng đã loại bỏ đi được nhiều tranh chấp, kiện tụng có thể phát sinh.
Bà con cần lưu ý rằng, di chúc chỉ phát sinh hiệu lực khi Người lập di chúc qua đời, nên khi còn sống, Người đã lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc đã lập trước đó vào bất cứ lúc nào – Có nghĩa rằng không phải lo lắng cho vấn đề “nếu lỡ lập di chúc rồi, có đổi ý được không”. Vì vậy, việc lập di chúc càng sớm càng tốt. So với việc tặng cho tài sản, thì việc lập di chúc có những ưu điểm nhất định, tất nhiên cũng tùy vào từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể, điều này đã được Tác giả luận giải trong một Bài viết khác, nên không nhắc lại ở đây.
Có một vấn đề thực tế - Nhiều Người khi còn sống, Họ không dám công khai việc chia tài sản cho Người thân sau khi qua đời, lý do là Họ sợ sẽ xảy ra xung đột. Nhưng Họ không hiểu rằng, chính vì cái sợ đó, mà sau này khi Họ qua đời, sự xung đột lại càng bùng phát mạnh hơn. Bởi vốn dĩ, Họ là Người để lại tài sản, Họ còn không dám đặt vấn đề, để rồi thu dọn trước tàn cuộc, thì sau khi Họ qua đời, còn Ai đủ tư cách để làm được việc đó.
Tồn tại vấn đề vừa nêu, có một phần nguyên nhân lớn đó là do cách nuôi dạy con cái của Cha mẹ. Nếu Cha mẹ luôn truyền đạt cho con cái mình hiểu rằng, sống ở đời phải có bản lĩnh, biết tự lập, đừng trông chờ vào tài sản mà Cha mẹ để lại, thì chắc hẳn, ít nhiều sẽ hạn chế được những tranh chấp có thể xảy ra. Tuy nhiên, nói là nói vậy, nhưng để phòng hờ, thì một bản di chúc chặt chẻ, tuân thủ đúng pháp luật, giải quyết những vấn đề như đã nói ở trên, vẫn là phương án cần được lựa chọn.
Bằng không, với “di sản xã hội” để lại chính là một “chiến trường về tranh chấp thừa kế”, là đấu tố, chửi đánh, tranh chấp lẫn nhau, thì kết cục sẽ là: Tình thân bị chia cắt; Di sản là tài sản bị rơi rớt đi rất nhiều bởi nhiều loại “phí” cho quá trình tranh chấp, kiện tụng; Đó là chưa kể những đàm tiếu, xuyên tạc, khinh cười của dư luận xã hội...
Viết tại sài Gòn, ngày 09/06/2023 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!