VÌ SAO “HÀNH VI CỦA ĐẠI ÚY CÔNG AN ĐỨNG NHÌN TÀI XẾ VẬT LỘN VỚI TÊN CƯỚP” - KHÔNG CẤU THÀNH TỘI PHẠM HÌNH SỰ: HIỂU VÀ PHÂN BIỆT "CẤU THÀNH VẬT CHẤT" VÀ "CẤU THÀNH HÌNH THỨC" TRONG KHOA HỌC PHÁP LÝ HÌNH SỰ!?!

Vụ việc Đại úy công an Nguyễn Văn Lâm, đứng bấm điện thoại mặc Anh tài xế taxi người dính đầy máu một mình vật lộn với tên cướp trên đường Cienco 5 (TP Hà Nội) khiến dư luận xôn xao suốt mấy ngày qua. Ngày 17/5, Công an TP Hà Nội ra quyết định kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển công tác Đại uý này, vì đã thiếu trách nhiệm trong việc bắt giữ tên cướp hung ác. Tuy nhiên, dư luận và ý kiến của nhiều Chuyên gia, thông qua Báo chí, vẫn cho rằng, hình thức cảnh cáo như vậy là quá nhẹ, đáng ra cần phải tước quân tịch, và loại ra khỏi ngành…….

Thậm chí, có khá nhiều Người còn cho rằng – Hành vi của Đại úy Lâm cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội danh “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự hiện hành. Tuy nhiên, cần khẳng định ngay rằng: Không thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội danh này, đối với hành vi nêu trên của Đại úy Lâm, dù rằng hành động đứng bấm điện thoại mặc Anh tài xế taxi người dính đầy máu một mình vật lộn với tên cướp là rất vô cảm, vô trách nhiệm, vụng về, hèn nhát, và rất đáng lên án.

Lý do không thể đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của Đại úy Lâm về Tội danh đã nêu – Vì theo Luật định để “Cấu thành tội phạm” của Tội danh “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, cần phải thỏa mãn cùng lúc đầy đủ 03 dấu hiệu sau đây:

1 – Dấu hiệu hành vi thứ nhất: Nhìn thấy Người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng! Chẳng hạn như khi Chúng ta đang đi bộ bên bờ sông, thấy Người nào đó bị đuối nước, hay đi trên đường thấy Người nào đó bị tai nạn, bị thương nặng …… Thì đều được xem là (Đã) “Thấy” Người khác ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Trong vụ việc này, đương nhiên Đại úy Lâm đã nhìn thấy việc Anh tài xế đang vật lộn với tên cướp, Người bị máu bê bết….. Cho nên đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi thứ nhất: Đã thấy.

2 – Dấu hiệu hành vi thứ hai: Tuy có điều kiện mà không cứu giúp! Việc chỉ mới nhìn thấy Người khác trong tình trạng nguy hiểm, chỉ mới là căn cứ đầu tiên, hay chính xác hơn, là cơ sở phát sinh vấn đề. Điều quan trọng nhất, nằm ở yếu tố “Tuy có điều kiện mà không cứu giúp”, nghĩa rằng Người nhìn thấy Người khác đang nguy hiểm đến tính mạng, phải có khả năng để cứu được Người đó. Ví dụ, Chúng ta đang đi bộ bên bờ sông, thấy Người nào đó bị đuối nước, nhưng Chúng ta không biết bơi, Người bị đuối nước khá xa bờ, thì đương nhiên không thể nào lao ra để cứu Họ được (Tất nhiên lúc này chỉ có thể la lớn, kêu gọi mong Ai có thể cứu giúp), cho nên mặc dù có nhìn thấy, nhưng lại không có điều kiện để cứu, thì cũng không thỏa mãn hành vi của Tội danh. Còn nếu có nhìn thấy, có điều kiện, mà không cứu giúp, thì đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi thứ hai này. Trong vụ việc này, đương nhiên Đại úy Lâm đã nhìn thấy, và hoàn toàn có điều kiện để cứu giúp, vì lúc này, Anh tài xế đang vật lộn, và gần như đã khống chế tạm thời được tên cướp, nên không thể nói anh Lâm xông vào hỗ trợ sẽ nguy hiểm, quan trọng hơn, Anh Lâm là một Đại úy Công an, là Người có chuyên môn nghiệp vụ, nên hoàn toàn có điều kiện để cứu giúp hơn những Người bình thường khác. Tóm lại, hành vi không hành động, không cứu giúp của Đại úy Lâm đã thỏa mãn dấu hiệu “Tuy có điều kiện mà không cứu giúp”.

3 – Dấu hiệu về hậu quả: Nạn nhân (Người đang trong tình trạng nguy hiểm) bị chết (Tử vong) sau đó! Điều đó có nghĩa rằng, nếu thấy Người khác đang trong tình trạng nguy hiểm, có điều kiện, mà không cứu giúp, nhưng sau đó, Người bị nguy hiểm đến tính mạng này không chết, có thể do được Người khác cứu….. Thì Người đã “Làm ngơ” cũng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, lý do là vì nạn nhân đã sống sót. Phân tích sâu hơn, giả định nếu nạn nhân đã bị chết trước đó, thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, Ông A đi trên đường, thấy Ông B bị tại nạn nằm bất động, nhưng Ông A không thèm để ý, mà đi tránh luôn, nếu sau này giám định, xác định được Ông B đã chết trước thời điểm mà Ông A đi qua nhìn thấy, thì Ông A cũng không bị tội gì; Hoặc giả thiết, mặc dù Ông A ngó lơ đi qua, nhưng Ông C đi qua nhìn thấy, rồi đưa Ông B vào viện, nếu Ông B được cứu sống thì Ông A cũng không bị tội gì. Trong vụ việc này, cũng vậy, mặc dù hành vi của Đại úy Lâm rõ ràng là đã nhìn thấy Người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đã có điều kiện mà không cứu giúp, tuy nhiên do Anh tài xế may mắn được cứu sống, tức chưa xảy ra hậu quả, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội danh này. Nếu như lúc đầu, Anh tài xế không qua khỏi (Không được cứu sống), thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự với Lâm là không còn gì phải bàn cãi, vì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm - Tội danh đã được xác lập.

Từ phân tích trên, Bà con ta thấy rằng: Để thỏa mãn cấu thành của Tội danh “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” phải cùng lúc thỏa mãn 03 dấu hiệu, 03 yếu tố đã nêu, điều đó có nghĩa rằng: Nếu thấy người khác đang nguy hiểm tính mạng, nhưng không có điều kiện để cứu giúp, thì cũng không phạm tội; Hoặc tuy có điều kiện, và đã cứu giúp, nhưng giúp không thành, thì cũng không phạm tội; Hoặc tuy có điều kiện, mà không cứu giúp, ngó lơ, nhưng nạn nhân không chết, cũng không phạm tội. Nghĩa rằng - Chỉ khi nào thấy Người khác nguy hiểm đến tính mang, tuy có điều kiện cứu giúp, mà không cứu giúp, dẫn đến hậu quả là Người đó chết, thì mới cấu thành tội phạm.

Trong khoa học pháp lý hình sự, Người ta gọi cấu thành tội phạm đối với Tội danh vừa nêu là “Cấu thành vật chất” nghĩa rằng để thỏa mãn cấu thành tội phạm đó, đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra, cho nên, nếu hậu quả chưa xảy ra, thì không cấu thành tội phạm. Khác với “Cấu thành vật chất” là “Cấu thành hình thức”, những Tội phạm có “Cấu thành hình thức” thì không cần hậu quả đã xảy ra, mà chỉ cần hung thủ thực hiện hành vi, cũng đã cấu thành tội phạm; Ví dụ như Tội cướp tài sản: chẳng hạn A thấy B đi trên đường, nên kề dao vào cổ B và đòi cướp tài sản, nhưng lục trong Người B, không có tài sản gì, tức là không chiếm đoạt được tài sản, nhưng hành vi của A vẫn cấu thành tội cướp; Hoặc ví dụ như tội hiếp dâm, C thấy D đi một mình trong công viên, nên nảy sinh ý định hiếp dâm, C tiến lại gần không chế D, nhưng vừa chỉ mới cởi được áo của D ra, tức chưa làm được gì cả, thì bị D cắn vào tay, và D bỏ chạy được, thì hành vi của C vẫn là phạm tội hiếp dâm, dù chưa làm được gì cả.

Từ tất cả những phân tích trên, cho thấy, để định danh một Tội phạm phải dựa vào từng Tội danh cụ thể, từng Tội phạm cụ thể, tương ứng với những dấu hiệu, những yếu tố đã được Luật mô tả trong cấu thành tội phạm của Tội danh cụ thể đó. Khác với Luật dân sự - Luật hình sự có một nguyên tắc cơ bản tuyệt đối, không chỉ được quy định trong pháp luật quốc gia, mà trong các Điều ước quốc tế, đó là: Không có luật thì không có tội. Cho nên, mặc dù hành vi của Đại úy Lâm như đã nói là quá vô cảm, vô tình, hèn nhát, nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự, do chưa thỏa mãn đầy đủ các yếu tố được mô tả quy định trong Tội danh đó. Và Tội danh, mà Chúng ta đang bàn được quy định áp dụng cho mọi loại chủ thể, kể cả Người bình thường, và đã được ban hành từ trước, cho nên cũng cần khẳng định, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự với Đại úy Lâm trong vụ việc cụ thể này, với Tội danh như đã nêu là hoàn tòan chính xác và đúng pháp luật, mà không có khuất tất gì ở đây cả - Một Tội danh có “Cấu thành vật chất” bắt buộc phải có hậu quả xảy ra, mới cấu thành tội phạm đó!

Tất nhiên, Bài viết này, Chúng ta chỉ phân tích và luận giải vì sao hành vi không cứu giúp của Đại úy Lâm không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là hành vi đó, không phải chịu những chế tài khác của pháp luật. Trước mắt, Cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định kỷ luật và điều chuyển công tác đối với Đại úy Lâm, và có thể đang xem xét các bước xử lý tiếp theo, vì mọi thứ cần phải đúng trình tự. Và với hành vi của Đại úy Lâm như nêu trên, còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, gây bất bình trong dư luận, thì việc xem xét mức kỷ luật nặng nhất là tước quân tịch, cho ra khỏi ngành, là điều hoàn toàn có thể cân nhắc đến. Vì đúng ra, lúc đó, nếu Đại úy Lâm tích cực cùng Bạn tài xế khống chế tên cướp và kêu gọi Bà con hỗ trợ, thì chắc chắn cũng sẽ được mọi Người tán dương, hoan nghênh, dù cho đó là trách nhiệm của Đại úy Lâm: Rất tiếc, là Anh Lâm đã bỏ qua cơ hội ghi điểm cho mình và ngành. Vậy nên - Có thể thấy trong những khoảnh khắc nhất định, khoảng cách giữa Người hùng và phần còn lại .... khá mong manh!

Viết tại Sài Gòn, ngày 20/05/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan