TỪ VỤ VIỆC CHO “VAY NÓNG” CỦA PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC TÂN HIỆP PHÁT: HIỂU VỀ HỢP ĐỒNG BỊ GIẢ TẠO VÀ HỢP ĐỒNG BỊ LỪA DỐI – RANH GIỚI GIỮA QUAN HỆ DÂN SỰ VÀ TỘI PHẠM HÌNH SỰ!

Những ngày qua – Một số Trang báo và mạng xã hội rầm rộ đưa tin về Vụ việc Bà Trần Uyên Phương – Ái nữ Nhà Tân Hiệp Phát, đồng thời cũng là Phó Tổng giám đốc Công ty này, bị nhiều Người tố cáo là có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức cho vay tiền, nhưng ép ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng bất động sản – Hiện vụ việc đang được Cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ!

Những thông tin hiện tại, do báo chí và mạng xã hội đăng tải, đa phần đều là thông tin một chiều, mang thiên hướng “Buộc tội” cho Ái nữ Nhà Tân Hiệp Phát. Rất có thể, với tiềm lực của mình, sẽ có một cuộc “Phản công về truyền thông” của Tân Hiệp Phát – Lúc đó, giữa đại ngàn ma trận thông tin, sự nhiễu loạn tình tiết sự kiện là khó tránh khỏi: Ranh giới thật thật ảo ảo, sẽ khá mong manh.

Chính vì thế - Trong Bài viết này, Chúng ta không bàn luận về bất kỳ khía cạnh pháp lý nào có liên quan đến Vụ việc của Nhà Tân Hiệp Phát vừa được nhắc đến nêu trên, khi các thông tin chính thức chưa được công bố bởi Cơ quan có thẩm quyền. Thay vào đó – Trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích và luận giải các khía cạnh pháp lý về các giao dịch có liên quan đến giao dịch vay tài sản – Được gọi là các giao dịch phái sinh – Từ những thực tế đang diễn ra! Cũng xin lưu ý rằng: Trên Trang Fanpage này, tác giả đã có hai Bài viết về việc cho vay với lãi suất cao, nên những vấn đề liên quan đến lãi suất tín dụng đen, sẽ không nhắc lại trong Bài này.

I. TỪ VIỆC VAY VÀ TRẢ NỢ VAY – ĐƯỜNG XA VẠN DẶM

1. Thực tế cho thấy rằng – Việc thu hồi nợ cho vay, khá khó khăn. Dù cho đó là khoản vay giữa các Cá nhân những Người bạn với nhau, cho đến các khoản vay của Ngân hàng: Đôi khi rất gian nan. Món nợ tiền bạc, cũng chính là một trong những nguyên nhân lớn khiến nhiều mối quan hệ sứt mẻ.

2. Việc cho vay có bảo đảm như cho vay có thế chấp, cho vay có bảo lãnh – Nhưng việc thu hồi nợ vẫn rất khó khăn, nếu như Người vay không thiện chí, khi đó lại phải lục đục lôi kéo nhau ra Tòa, rồi đến giai đoạn cưỡng chế thi hành án….. Rất gian nan!

3. Còn đối với những khoản vay không có bảo đảm, thường là những khoản vay giữa các mối quan hệ thân quen, từ vài chục triệu đến vài trăm triệu ….. Mà khi Người vay không muốn trả, gần như là sẽ mất trắng. Tác giả nhận được khá nhiều câu hỏi về vấn đề này. Đại loại như: Em cho vay 50 triệu, không bảo đảm, không lãi, mà giờ họ không trả, thì phải làm sao……

4. Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc gặp khó khăn hoạn nạn, vì thế việc vay mượn tiền bạc vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, chính những lần không hay ho xảy ra khi thu hồi nợ diễn ra trong xã hội – Đã khiến cho trăm phương nghìn kế được bày ra – Nhưng không phải lúc nào, nó cũng đúng quy định của pháp luật.

II. ĐẾN HỢP ĐỒNG ĐƯỢC XÁC LẬP GIẢ TẠO

1. Xuất phát từ việc đòi nợ, thu hồi nợ khó khăn như trên – Nên dần dần, những Người cho vay, không biết do ai cố vấn, đã nghĩ ra một phương cách thu hồi nợ được mô tả như ví dụ sau đây:

Ví dụ 1: Ông A cho Ông B vay 1 tỷ đồng, thời hạn vay là 6 tháng, đến hạn phải trả cả gốc lẫn lãi là 1,2 tỷ. Để bảo đảm việc thu hồi nợ, thay vì Các bên sẽ ký Hợp đồng thế chấp nhà, đất. Thì Ông A yêu cầu Ông B ký bán nhà cho mình. Ví dụ Ông B có căn nhà 03 tỷ, thì hai bên sẽ ra công chứng ký hợp đồng mua bán, với giá 1,2 tỷ và Ông B bàn giao bản chính giấy tờ nhà cho Ông A. Bên cạnh đó, các bên sẽ viết thỏa thuận bằng giấy tay, với nội dung: Nếu đến hạn trả nợ, mà Ông B giao trả đủ 1,2 tỷ, thì Các bên ra công chứng hủy Hợp đồng mua bán, xem như không có mua bán gì cả, còn việc vay nợ đã trả xong xuôi. Ngược lại, nếu đến hạn mà Ông B không trả được nợ, Bên A có quyền cầm hợp đồng mua bán nhà đã công chứng, đi đăng bộ sang tên thành Nhà của mình. Ông B không phải trả nợ, nhưng xem như mất Nhà. Còn Ông A thu hồi nợ một cách nhanh chóng.

2. Nghe qua phương cách vừa nêu có phần hợp lý: Các Bên đều tự nguyện, có vay có trả, đã chấp nhận vay, thì chấp nhận trả. Và có vẻ như nó đảm bảo cho lợi ích của Bên cho vay – Nhưng rất tiếc, đó chỉ là những gì mà Bên cho vay suy luận – Còn pháp luật không quy định như thế!

3. Nghĩa rằng với phương cách như trên: Nếu có tranh chấp xảy ra, Hợp đồng mua bán nhà có công chứng mà các bên đã ký kết sẽ bị tuyên vô hiệu do giả tạo – Đã rất rất nhiều lần Tác giả nhắc nhở Bà con: Đừng nghĩ cứ Hợp đồng có công chứng là yên tâm! Hay nói cách khác, Hợp đồng mua bán nhà trong trường hợp này không có hiệu lực thi hành, mà thỏa thuận bằng giấy tay giữa Các bên có giá trị cao hơn ở khía cạnh - Phản ánh ý chí đích thực của Các bên rằng: Các bên thực chất là giao dịch vay tiền, còn Hợp đồng công chứng mua bán nhà chỉ là giả tạo, được thiết lập nhằm che dấu giao dịch thật là vay tài sản. Việc ký Hợp đồng mua bán nhà, thực chất chỉ là phương cách nhằm bảo đảm thu hồi nợ - Nhưng phương cách này không có trong luật, nên không có giá trị.

4. Trên cơ sở đó – Trong trường hợp này: Bên cho vay lâm vào tình cảnh “Tính già hóa non” – Vì lúc này khoản cho vay, trở thành thành khoản vay không có bảo đảm gì cả, nghĩa rằng còn nguy hiểm hơn là ban đầu ký Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh như nêu ở phần trên.

5. Tuy nhiên, dẫu sao dù có rủi ro, dù có tranh chấp, dù có khó khăn trong thu hồi nợ - Nhưng giao dịch, quan hệ pháp luật đã được thiết lập giữa Các bên vẫn chỉ nằm trong phạm vi của Pháp luật dân sự. Nghĩa rằng, mọi tranh chấp, kiện tụng nhau nếu có, đều sẽ được giải quyết bởi Tòa án, được mất ở đây chỉ xoay quanh vấn đề về tài sản. Còn nếu phương cách ký Hợp đồng mua bán nhà để đảm bảo thu hồi nợ như vừa nêu, được đẩy lên một hình thái mới: Tội phạm hình sự xuất hiện – Được phân tích tại Phần III dưới đây.

III. HỢP ĐỒNG LỪA DỐI VÀ TỘI PHẠM HÌNH SỰ

1. Trường hợp này cũng có nét giống với tình huống trên đó là: Các Bên cũng xuất phát từ giao dịch vay tài sản, rồi cũng ký Hợp đồng mua bán nhà có công chứng – Tuy nhiên, điểm khác biệt là Các Bên lại không lập thêm một thỏa thuận bằng giấy tay nào cả, nghĩa rằng những quy định như khi đến hạn mà trả đủ nợ thì sẽ hủy Hợp đồng mua bán ….. Chỉ là nói miệng với nhau.

2. Để rồi khi đến hạn trả nợ: Mặc dù Bên vay có đủ tiền để trả nợ - Nhưng bên cho vay từ chối nhận nợ, với lập luận: Đây là mua bán nhà, không phải vay mượn. Nghĩa rằng: Ngay từ đầu, Bên cho vay đã có ý định sẽ chiếm đoạt tài sản của Bên vay. Đương nhiên rồi, khoản vay đôi khi chỉ vài ba tỷ, nhưng giá trị căn nhà có khi đến vài chục tỷ.

3. Lúc này, Bên vay không thể kiện Bên cho vay ra Tòa như trường hợp Hợp đồng giả tạo ở trên – Vì không có bằng chứng gì cả, có kiện cũng thua. Trong tình thế đó, buộc phải làm Đơn Tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra Cơ quan điều tra. Nhưng trường hợp này, không phải lúc nào cũng dễ để điều tra ra, chỉ những trường hợp mà giao dịch có liên quan đến nhiều Người, thông qua khai thác thông tin, thấy mâu thuẫn, rồi kết hợp nhiều chứng cứ khác, may ra mới có thể kết luận được. Và tất nhiên, nếu có đủ cơ sở để kết luận có sự lừa dối, gài bẫy ở đây thì việc Cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có thể có khả năng xác lập. Hiện tại, Ái nữ Nhà Tân Hiệp Phát đang bị tố giác cho trường hợp này – Còn thực hư thế nào, đành phải chờ kết luận điều tra.

IV. LỜI KẾT VÀ KHUYẾN NGHỊ

1. Giao dịch cho vay tài sản là một giao dịch phổ biến. Việc bảo vệ hài hòa lợi ích giữa Bên vay và Bên cho vay cần phải được nhìn nhận công tâm và khách quan: Chúng ta không thể chỉ bảo vệ Bên vay – Bởi đối với nhiều Người cho vay: Đồng tiền của họ cũng chính đáng, cũng là mồ hôi nước mắt của họ làm ra, đôi khi vì tình cảm, cả nể mà cho vay, cũng đôi khi cho vay để kiếm thêm đồng tiền lãi cho con ăn học, đây là những điều chính đáng, được pháp luật cho phép, nên cần được bảo vệ.

2. Nhưng ngược lại, Chúng ta cũng không chỉ bảo vệ Bên cho vay: Bởi nhiều trường hợp Người vay rất thật thà, đôi khi gặp biến cố, rủi ro, nên phải đi vay mượn – Nhưng lại gặp Người cho vay không tốt, lợi dụng hoàn cảnh bí bách để bắt ép với lãi cắt cổ, thậm chí còn giở trò gài bẫy này kia như đã nêu trên. Do đó việc phải bảo vệ lợi ích chính đáng của Người đi vay, cũng là điều cần thiết.

3. Vì vậy – Đúng như Cha ông ta đã nói “Chọn Bạn mà chơi” - Bà con nếu là Người cho vay thiện chí, thì nên tìm Người vay trung thực mà cho vay; Ngược lại những Người vay thật thà, chân thành, cũng nên tìm những Người cho vay có tâm đức mà vay. Còn lại, cứ để lưu manh: Kẻ cắp Bà Già gặp nhau – Toàn “Cao thủ chợ trời” nên tự khắc sẽ có cách giải quyết với nhau.

4. Theo đó – Khi xác lập giao dịch vay tài sản, Bà con có thể yêu cầu có giao dịch bảo đảm kèm theo nếu muốn, lúc đó cứ đường hoàng minh bạch ra Văn phòng công chứng Ký Hợp đồng cho vay có thế chấp hoặc có bảo lãnh, là đủ yên tâm phần nào, đừng tính già hóa non, nghe mấy lời tư vấn lôm côm ba lăng nhăng, cuối cùng bị vô hiệu do trái pháp luật, lại thành ra khoản vay không bảo đảm.

Nói tóm lại – Không thể nào có được một sự hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng khi Bà con cẩn trọng, hành xử theo đúng quy định của pháp luật, chắc chắn sẽ hạn chế được những rủi ro pháp lý nhất định, và cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho Bà con trước các Cơ quan tài phán, cũng vì thế luôn cao hơn.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan