BÀN VỀ “VỤ NÂNG KHỐNG GIÁ KIT TEST COVID19” DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT DÂN SỰ: CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ “THUẬN MUA VỪA BÁN”!

Dẫn nhập: Những ngày qua, vụ việc nâng khống giá Kit test covid19 (Từ đây gọi tắt là Kit test) đã làm dậy sóng dư luận. Những sai phạm dưới góc độ pháp luật hình sự của vụ việc này, tạm xem là dễ nhận diện, đa số mọi Người đều hiểu, đều có thể luận bàn ở một mức độ nhất định vì nó quá rõ ràng – Bởi thế, Chúng ta tạm không phân tích dưới khía cạnh này nữa (Không nói những điều mà đa số ai cũng hiểu và biết). Cho nên - Ở đây, Chúng ta sẽ phân tích vụ việc dưới một góc độ khác (Chưa ai đề cập đến) – Đó là, liên quan đến vụ việc này, đâu đó có ý kiến cho rằng: “Giả sử không có việc lại quả, chia chác, tham ô, hối lộ và giả sử Kit đủ điều kiện lưu hành thì hoàn toàn không có bất kì vi phạm nào và giao dịch mua bán này là hợp pháp, theo hình thức thuận mua vừa bán, hiểu nôm na là Bên bán có quyền chào giá cắt cổ trên trời, và Bên mua nếu thích chơi ngông vẫn mua thì phải chịu, mọi chuyện là hợp pháp, đặc biệt là với Bên bán”. Liệu quan điểm và tư duy này có đúng với quy định của pháp luật?! Bài viết sau đây sẽ giúp Bà con trả lời câu hỏi đó.

1. Tự do mua bán và giới hạn

Chúng ta bắt đầu bằng một ví dụ: Ông A có một căn nhà, giá thị trường khoảng 10 tỷ đồng, nhưng Ông A hét giá 100 tỷ, Ông B vẫn đồng ý mua. Giao dịch này hoàn toàn hợp pháp theo tinh thần thuận mua vừa bán, vì giao dịch này không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ai cả (Trừ khi có dấu hiệu rửa tiền, tạm không bàn đến). Hay nói cách khác giao dịch này chỉ trực tiếp liên quan đến Bên mua và Bên bán, không liên quan đến bất kỳ ai khác, nên biên độ tự do thỏa thuận của Họ, gần như không giới hạn: Nhà của Ông A – Còn tiền của Ông B, các Bên muốn làm gì thì làm, miễn là không gây ảnh hưởng đến Ai.

Tuy nhiên, giao dịch mua bán Kit test nêu trên thì không phải như vậy. Bởi vì, ngoài Bên mua và Bên bán, còn trực tiếp liên quan đến ít nhất 02 Chủ thể khác: (i) Nhà nước với tư cách là Bên sẽ phải bỏ tiền từ ngân sách ra trả cho Bên mua, cho nên nếu mua đắt, Người phải chịu thiệt hại trước tiên là Nhà nước (Trong giao dịch mua bán trên, Bên ký tên trên hợp đồng mua không hẳn là Bên sẽ/đã trả tiền, mà tiền là từ ngân sách); Và (ii) Người dân phải trả tiền trong trường hợp không được miễn phí xét nghiệm, do đó nếu giá mua vào mà Nhà nước đã bỏ ra trước đó là cao, thì Người dân cũng phải trả phí cao như thế.

Như vậy, khác với giao dịch mua bán nhà tại ví dụ đầu tiên, là chỉ liên quan đến hai Bên, không dính dáng gì đến ai cả, nên các Bên được tự do thỏa thuận miễn là không phương hại đến người nào – Thì trong giao dịch mua Kist test, ngoài các Bên trong hợp đồng, nó còn liên quan trực tiếp đến các Chủ thể khác là Nhà nước và Nhân dân. Hay nói cách khác, hai Chủ thể này có chịu sự chi phối trực tiếp từ giao dịch mua bán của các Bên, nên xét dưới góc độ pháp luật dân sự, các Bên trong giao dịch có quyền tự do thỏa thuận, nhưng mức độ tự do thỏa thuận đã bị hạn chế, chỉ cần các bên vượt rào khỏi giới hạn, đó sẽ là vi phạm pháp luật, thậm chí dẫn đến giao dịch bị vô hiệu (Không có giá trị thi hành) - Sẽ được phân tích tiếp dưới đây.

2. Không được lạm dụng quyền dân sự

Bên bán có quyền ra giá, Bên mua có quyền đồng ý hoặc chối từ không mua – Từ tư duy đó, nên mới nảy sinh ra quan niệm “Thuận mua vừa bán” như đã nêu trên. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những trường hợp như ví dụ về mua bán nhà đã nói mà thôi. Trong nhiều trường hợp khác, quyền ra giá, quyền chấp nhận mua (Gọi chung là quyền dân sự) đã bị luật giới hạn, nếu như nó gây phương hại cho Chủ thể khác.

Đúng vậy – Bộ luật dân sự quy định rằng: “Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác….. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định này thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định”. Đây chính là giới hạn việc thực hiện quyền dân sự do luật quy định.

Trong vụ việc mua Kit test này (Nhắc lại lần nữa để tranh nhầm lẫn, là Chúng ta đang giả định không có chuyện nâng khống, chi lại quả, một hình thức của tham ô, hối lộ, và giả sử Kit đủ điều kiện lưu hành để xem giao dịch này có vi phạm pháp luật hay không như nhiều người nói là thuận mua vừa bán), Bên bán có quyền ra giá, Bên mua có quyền chấp nhận – Nhưng như vậy không có nghĩa là Họ được thực hiện quyền này một cách vô hạn. Họ có quyền, nhưng không được lạm dụng quyền này để gây thiệt hại cho các Chủ thể khác, cụ thể ở đây là Nhà nước và Nhân dân. Rõ ràng, việc mua bán với một cái giá trên trời, không phản ánh đúng thực tế kể cả cung cầu thị trường, đã trực tiếp gây thiệt hại cho các Chủ thể khác, nên đây là hành vi vi phạm pháp luật. Chứ không phải là thuận mua vừa bán như nhiều Người vốn lầm tưởng.

3. Giao dịch vô hiệu do trái đạo đức xã hội

Bộ luật dân sự quy định rằng, một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực đó là nội dung, mục đích của giao dịch không được trái đạo đức xã hội. Và khi giao dịch dân sự có nội dung, mục đích trái đạo đức xã hội thì giao dịch bị vô hiệu, không có giá trị pháp lý thi hành.

Trong vụ việc mua Kit test đang bàn, rõ ràng hành vi lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh và việc phải tham gia xét nghiệm của Người dân, để đẩy giá bán lên một cách cao bất thường, nhằm trục lợi đó chính là hành vi trái đạo đức xã hội. Chính vì vậy, hợp đồng đã được ký kết giữa các bên bị vô hiệu tuyệt đối, không có giá trị pháp lý. Hệ quả là các Bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nghĩa rằng những Kit chưa test thì trả về, tiền thì phải hoàn lại, những Kit đã test (Tức không hoàn trả bằng hiện vật được) thì phải xác định giá trị thật để cấn trừ vào tiền hoàn lại, nôm na là hoàn tiền chênh lệch và bồi thường thiệt hại.

Tổng kết luận: Từ giả định và những phân tích trên, Bà con ta thấy rằng, ngay cả khi không có khuất tất gì, thì học thuyết "Thuận mua vừa bán" luôn có những giới hạn của nó. Ngoài những nội dung đã nêu, pháp luật còn có những giới hạn về tự do thỏa thuận giá cả, như cấm doanh nghiệp bán phá giá hàng hóa nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, hoặc những mặt hàng thiết yếu sẽ thuộc danh mục bình ổn giá.... Tác giả sẽ phân tích sâu hơn về những chủ đề này vào một dịp khác!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan